Đâu cần thanh niên có...
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:08, 24/03/2011
LTS: Tuổi trẻ Thủ đô tự hào về mảnh đất nghìn năm văn hiến, anh hùng, nơi xuất phát của nhiều phong trào hành động cách mạng lớn của thanh niên cả nước mà tiêu biểu là Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu giai đoạn 1930-1945, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" (1946 - 1954); phong trào "Ba sẵn sàng" (1954-1975) và phong trào "Thanh niên tình nguyện" trong những năm đổi mới...
Hànộimới xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài khái quát về những mốc son quan trọng trong 80 năm xây dựng và phát triển Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội.
Bài 1: Tự hào Đội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập ra Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trong dòng chảy cách mạng ấy, có sự đóng góp to lớn của những thanh niên Hà Nội, mà điển hình là Đội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu.
Quyết không chịu cúi đầu làm nô lệ
Trong những ngày tháng ba này, khi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích và tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng sinh nhật 80 tuổi (26-3-1931/26-3-2011), thì một trong các hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống không thể thiếu đó là gặp mặt nhân chứng lịch sử để ôn lại những khí thế hào hùng, sôi nổi của các thế hệ cha anh đã đóng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đối với thanh niên Thủ đô, truyền thống và niềm tự hào đó như được nhân lên, bởi chính tại thành phố này, hơn 65 năm về trước, những thanh niên Hà Nội, điển hình là Đội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu đã góp phần tạo nên một mùa thu cách mạng lịch sử. Chính họ đã tạo ra sức mạnh, lực lượng to lớn cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8-1945 ở Thủ đô.
Những người trẻ tuổi năm xưa, từng hoạt động cách mạng mưu trí, sáng tạo trong lòng địch trước năm 1945 giờ đây vẫn còn nhớ như in những năm tháng đầy cam go, ác liệt, nhưng thể hiện ý chí sục sôi quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, tập hợp lại, cùng nhau đứng lên giành chính quyền dưới sự dẫn dắt, soi đường của Đảng và Bác Hồ. Ở tuổi 85, ông Lê Đức Vân, Ban liên lạc thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu (nguyên học sinh Trường Bưởi, đã sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động tích cực thời kỳ tiền khởi nghĩa), hiện đang sinh sống ở quận Hai Bà Trưng, vẫn còn minh mẫn, đôi mắt sáng lên khi nhắc lại câu chuyện của hơn 65 năm về trước.
Trong câu chuyện kể, thi thoảng đôi mắt ông ngấn lệ khi nhắc đến những đồng đội, đồng chí cùng hoạt động yêu nước nay không còn sống. Bối cảnh đưa ông sớm trở thành chiến sĩ cách mạng bắt nguồn từ năm 1939. Để chuẩn bị chiến tranh, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khủng bố trắng đàn áp rộng lớn, bắt bớ cầm tù những người cách mạng. Số đông đảng viên ở nhà lao Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Nghĩa Lộ, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo từng hoạt động công khai (thời kỳ mặt trận bình dân cầm quyền) phải rút vào hoạt động bí mật và bị truy lùng gắt gao. Sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đã thức tỉnh lòng yêu nước của tầng lớp trí thức, trong đó có học sinh Trường Bưởi, căm ghét đế quốc, thực dân áp bức, bóc lột trong nhân dân. Trong bối cảnh lịch sử ấy, tháng 9-1940, tại Trường Bưởi ra đời một tổ chức yêu nước bí mật mang tên Ngô Quyền.
Ông Lê Đức Vân cho biết, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8-1944, tại số 46 Bát Đàn (nhà riêng ông Vân), Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu được thành lập khoảng 60 thành viên hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp… Liên tiếp trong những tháng tiếp theo, nhiều nơi trong TP Hà Nội và các vùng ven đô (Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh), Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu phối hợp với các cơ sở Đoàn Thanh niên cứu quốc tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết, rải truyền đơn khiến kẻ địch hoang mang, lo sợ. Tuổi trẻ Hà Nội phấn khích, hăng hái, lao mình vào những hoạt động tiền khởi nghĩa và thúc đẩy phong trào Thanh niên Cứu quốc ngày một lớn mạnh. Đặc biệt, đoàn còn bí mật xuất bản Báo "Hồn Nước" làm cơ quan tuyên truyền, cổ động, vận động tổ chức thanh thiếu niên Hà Nội chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền.
"Lúc đó tuổi trẻ chúng tôi sôi sục và khí thế lắm, những đội viên tuyên truyền xung phong mưu trí, gan dạ xuất hiện và hoạt động khắp nơi và đóng góp to lớn vào cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Chính Ðội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và Ðội danh dự Việt Minh Hà Nội là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội", ông Vân nhớ lại.
Tháng 9-1945, Đại hội Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 105 đại biểu xuất sắc dự đại hội vẫn ghi nhớ lời Bác Hồ căn dặn: "Thanh niên Hà Nội phải làm gương cho thanh niên cả nước, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau, chăm lo dìu dắt thiếu niên nhi đồng, hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc và nhân dân giáo phó".
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Trong lúc tuổi trẻ và nhân dân Hà Nội đang dốc công sức vào bảo vệ và xây dựng Thủ đô non trẻ, thì các thế lực thù địch càng điên cuồng chống phá cách mạng cả bên trong và bên ngoài, khiến nhân dân cả nước phải dốc sức bảo vệ chính quyền thời kỳ trứng nước. Ngày 7-10-1945, chỉ trong 4 giờ đồng hồ nhận chỉ thị của Đảng và Bác Hồ, Thành đoàn Hà Nội đã bố trí đoàn viên, thanh niên tỏa đi các đường phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học… vận động quần chúng xuống đường đấu tranh. Các chiến sĩ tự vệ và đoàn viên, thanh niên Hà Nội bằng tinh thần cảnh giác cách mạng và khả năng đấu tranh chính trị nhạy bén đã góp phần phát hiện và chặn đứng nhiều vụ ám sát, bắt cóc cán bộ, tống tiền của bọn phản động, góp phần bảo vệ an toàn các cán bộ của Đảng, Chính phủ và Mặt trận Việt Minh.
Trong quá trình phát triển Đoàn thanh niên Hà Nội không thể không kể đến đóng góp của tuổi trẻ Thủ đô cho phong trào "Nam tiến", chia lửa cùng đồng bào miền Nam cuối năm 1945. Không chỉ tầng lớp thanh niên, mà cả những thiếu nhi Hà Nội cũng xung phong. Điển hình cho tinh thần thiếu nhi Hà Nội ủng hộ "Nam bộ kháng chiến" là trường hợp em "Bát sắt". Em đã nấp vào toa xe lửa chở than trên chuyến tàu đưa chiến sĩ, thanh niên Hà Nội vào Nam chiến đấu. Khi bị phát hiện, nhất định không chịu trở ra Hà Nội, thấy em can đảm, tháo vát mọi người nhận vào đơn vị. Cái tên "Bát sắt" được gọi vì lúc nào bên người em cũng có cái bát bằng sắt để tiện việc ăn cơm, uống nước. Trong một lần làm nhiệm vụ em đã hy sinh và đem theo cả bí mật về tên tuổi, địa chỉ của người chiến sĩ thiếu niên quê Hà Nội.
Tháng chạp năm 1946, tình hình chiến sự ở Hà Nội trở nên căng thẳng. Pháp nổ súng khiêu khích ta ở nhiều nơi, gửi tối hậu thư đòi ta phải trao quyền kiểm soát Thủ đô. Thời kỳ hòa hoãn kết thúc, tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Các đội thanh niên tự vệ khẩn trương chuẩn bị trận địa đánh địch. Hàng vạn hầm hố chiến đấu, giao thông hào được đào khắp nơi. Đội cảm tử tập dượt phương án tác chiến. Trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sĩ đã xúc động đọc lời thề "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", khắp phố phường Hà Nội đỏ rực những dòng khẩu hiệu "Thanh niên Thành Hoàng Diệu nguyện sống, chết với Thủ đô".
Ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thành viên Ban cán sự Ðảng, Bí thư Ðoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Hà Nội, trong câu chuyện kể luôn nhấn mạnh đến dấu mốc đáng nhớ, bài học rút ra từ phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn, không chịu cúi đầu làm nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, những chàng trai, cô gái Hà thành tuổi đôi mươi đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Thực hiện lời dạy của Bác, thanh niên Thủ đô đã xung phong thực hiện khẩu hiệu "Tấc đất, tấc vàng", "Hũ gạo cứu đói". Ở nội thành, thanh niên xung phong vào các đội khất thực, mang cơm, gạo, cháo đến cho người dân bị đói. Hàng trăm héc ta đất ở ngoại thành, Hà Đông, Sơn Tây đã được phục hóa, trồng rau màu ngắn hạn, nhờ đó mà nạn đói được đẩy lùi. Đặc biệt là phong trào diệt giặc dốt diễn ra sôi nổi với hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện làm giáo viên không lương ở các lớp bình dân học vụ.
Có thể khẳng định:"Giá trị lịch sử của Đội Thanh niên xung phong Thành Hoàng Diệu cũng là bài học cho thanh niên thời chống Mỹ cứu nước. Tinh thần, khí phách của thanh niên Hà Nội hoạt động tiền khởi nghĩa được tiếp nối ở phong trào "Ba sẵn sàng"- bản hùng ca của tuổi trẻ đánh Mỹ những năm sau".