Chống vàng hóa, đôla hóa và bất động sản hóa là tất yếu

Kinh tế - Ngày đăng : 15:50, 23/03/2011

(HNMO) - Trước động thái của Chính phủ về kiểm soát chặt thị trường tự do về vàng miếng và ngoại tệ, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, chủ trương trên là đúng đắn, việc chống vàng hóa, đôla hóa và bất động sản hoá là điều tất yếu.

Cụ thể, theo VAFI, những động thái gần đây của Chính phủ trong việc kiểm soát thị trường ngoại tệ tự do, đưa ra những chỉ dẫn về quản lý thị trường kinh doanh vàng miếng là hướng đi đúng đắn và đã có tác dụng tức thì trong chính sách ổn định tỷ giá… Việc tăng cường siết chặt thị trường ngoại tệ chợ đen đã có nhiều hiệu quả. Nhưng, Nhà nước cần thêm giải pháp cho phép người dân được mua ngoại tệ tiền mặt khi đi công tác, du lịch và học tập ở nước ngoài.

Ngân hàng nhà nước đang định hướng chính sách là cấm kinh doanh vàng miếng, Nhà nước sẽ thu mua vàng miếng theo giá quốc tế để đảm bảo lợi ích cho người dân. Có thể nói, đây là một chính sách hay. “Nếu chúng ta sớm thực thi chính sách này thì dự trữ ngoại hối của Nhà nước tăng lên rất nhiều và sẽ không còn tình trạng thu mua, đầu cơ vàng miếng nữa” - VAFI nhấn mạnh. 

Ở nhiều quốc gia, dòng tiền nhàn rỗi của người dân
không thể đầu tư vàng miếng. Ảnh minh họa


Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng, để giải pháp này được thực thi nghiêm thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải ban hành những qui định chống việc kinh doanh biến tướng vàng miếng ở dạng vàng trang sức.

Mặc dù vậy, theo VAFI, việc siết chặt thị trường ngoại tệ tự do và xoá bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, dòng tiền nhàn rỗi sẽ bị chặn ở đầu tư tích trữ vàng, ngoại tệ nhưng chưa bị chặn ở thị trường bất động sản bởi chính sách thuế hiện hành là rất thấp.

“Trong thời gian ngắn hạn trước mắt, thị trường bất động sản chưa thể xảy ra những cơn sốt nhưng trong tương lai nếu chúng ta không thiết lập thuế tài sản trong kinh doanh và sở hữu đất đai thì bất động sản sẽ là nơi đến lý tưởng của dòng tiền nhàn rỗi, và như vậy chúng ta chưa thể quản lý tốt dòng tiền nhàn rỗi và sẽ đẻ ra nhiều bất cập xã hội về vấn đề này.” - Hiệp hội này nhận định.

VAFI cũng liên hệ, ở nhiều quốc gia, dòng tiền nhàn rỗi của người dân không thể đầu tư vàng miếng vì bị ngăn cản và không sinh lợi, càng không thể đầu cơ tích trữ ngoại tệ. Còn đối với thị trường bất động sản, hầu hết chính phủ các nước đều có Luật thuế tài sản đánh thuế lũy tiến vào việc sở hữu bất động sản, vì vậy người đầu tư khó lòng tích trữ đất hay đầu tư đất vì không sinh lợi, ngược lại có thể bị lỗ nặng do phải chịu thuế tài sản cao.

Vì thế, người dân ở các nước trên hầu như chỉ có lựa chọn gửi tiền nhàn rỗi trong ngân hàng hoặc phân bổ một phần vào đầu tư chứng khoán hoặc đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh qua hình thức mở doanh nghiệp. Khi gửi tiền vào ngân hàng, người gửi tiền còn bị đánh thuế lợi tức, nhưng họ vẫn gửi vì đồng tiền ổn định, sinh lợi và cũng vì yếu tố an toàn. Họ không thể cất tiền ở nhà do có nhiều rủi ro tiềm ẩn .

Hương Thủy