Hợp hiến, hợp lý!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 23/03/2011
Nói có sự quan tâm đặc biệt là bởi bộ luật này liên quan trực tiếp tới sự phát triển của Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam, bộ mặt của cả nước - và sự ra đời của nó được đặt trong bối cảnh Pháp lệnh Thủ đô sau 9 năm đã tỏ ra không theo kịp tiến trình phát triển và yêu cầu xây dựng Thủ đô trong giai đoạn mới. Xét trên bình diện rộng hơn, nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì "các cơ chế, chính sách được quy định trong các luật hiện nay chưa phù hợp với vị thế của Thủ đô, cần có một đạo luật cho phép Thủ đô vượt qua khuôn khổ của các luật hiện hành nhưng không trái Hiến pháp và phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô". Trong bối cảnh sức ép nhiều mặt đối với Thủ đô, từ cơ sở hạ tầng, nhập cư, chất lượng giáo dục, phát triển văn hóa đến chất lượng sống… dự án Luật Thủ đô là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với một "đô thị hành chính đặc biệt, đầu não chính trị - hành chính quốc gia".
Dự thảo Luật Thủ đô được xây dựng trên cơ sở đòi hỏi của thực tiễn, có sự kế thừa ưu điểm của Pháp lệnh Thủ đô, tuân thủ Hiến pháp. Dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các giới, ngành liên quan, đã được đưa ra bàn thảo công khai tại một số phiên họp của Quốc hội và đã qua nhiều lần chỉnh sửa cho phù hợp. Việc dành cho Hà Nội một số cơ chế, chính sách đặc thù vừa là sự cần thiết, thể chế hóa đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô được thể hiện tại Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, vừa phù hợp với Hiến pháp và hệ thống luật hiện hành. Những cơ chế, chính sách mà đề án Luật Thủ đô trao cho Hà Nội không phải là những vấn đề mới, chủ yếu dựa trên quy định trong nhiều văn bản luật về ngân sách, cư trú, đầu tư, quy hoạch đô thị, đất đai… nhưng rất rõ tính đặc thù cần có. Bất kỳ thủ đô nào mà mật độ dân số trung bình ở một quận trung tâm lên tới mức gần 4 vạn người/km2 và là điểm đến quan trọng nhất của luồng di cư trong nước thì cũng cần có điều khoản đặc thù để bảo đảm quản lý dân cư, xây dựng hạ tầng; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; dịch vụ công… ở mức tương xứng với tầm vóc cần có của nơi giữ vị trí đầu não quốc gia.
Nhìn ra thế giới, ít nhất trong số hơn chục quốc gia được tham khảo trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô, đã có 5 quốc gia có bộ luật riêng cho thủ đô của mình, 5 quốc gia khác có quy chế áp dụng cho thủ đô để phục vụ sự phát triển có tính đặc biệt, liên quan đến vị trí đầu não và ảnh hưởng trực tiếp tới thể diện quốc gia. Luật Thủ đô ứng vào Hà Nội, đơn giản chỉ là bởi thành phố được lịch sử trao sứ mệnh là thủ đô của quốc gia.
Nói thế có nghĩa là việc dành hẳn một bộ luật riêng cho một địa phương nào đó không phụ thuộc vào chuyện địa phương ấy là nơi nào mà vì là thủ đô của đất nước, cần phải có được sự ưu tiên mang tính đặc thù. Nói thế là chúng ta khẳng định quan điểm chung "Cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước" và như thế Luật Thủ đô là hợp hiến, hợp lý.