Tín dụng bất động sản Hà Nội – xu hướng nào cho năm 2011?

Bất động sản - Ngày đăng : 16:09, 22/03/2011

(HNMO) - Năm 2011, với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát từ phía Chính phủ, chính sách tiền tệ thắt chặt là điều khó tránh khỏi. Và với chính sách như vậy, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng đã đưa ra những biện pháp kiểm soát trong đó có liên quan đến thị trường bất động sản.


Đó là, thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%.

Như vậy, với động thái này của Chính phủ và NHNN, các NHTM sẽ hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản, điều này chắc chắn sẽ tác động đáng kể để các doanh nghiệp trong ngành. Các doanh nghiệp đã gặp khó khăn sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa, đặc biệt là thiếu vốn cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong bối cảnh đặc thù của ngành kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng là nguồn vay chủ yếu vì bản thân vốn tự của doanh nghiệp hoặc huy động từ khách hàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp.



Một góc Khu Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội


Về phía các ngân hàng, với tư cách là người cho vay, người cung cấp vốn cho thị trường cũng bắt đầu cảm thấy những rủi ro khi dư nợ bất động sản lớn, và chủ động cắt giảm hoặc có kế hoạch cắt giảm tín dụng bất động sản.

Theo báo cáo ngành bất động sản về thực trạng thị trường và xu hướng năm 2011 mới được phát hành ngày 18/3 của công ty Vietnam Report cho thấy, đối với tín dụng bất động sản doanh nghiệp, 60% các ngân hàng tham gia vào cuộc điều tra khảo sát cho rằng sẽ thắt chặt hơn nữa thủ tục và quy trình cho vay bất động sản trong năm 2011, trong khi đó đối với các khoản vay dài hạn, có 20% các ngân hàng cho rằng sẽ tiếp tục thắt chặt thủ tục và quy trình.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng, trong năm 2011, cả về phía ưu tiên chính sách của Chính phủ cũng như từ phía các ngân hàng, việc thắt chặt tín dụng bất động sản là điều chắc chắn. Các Ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động cho vay bất động sản và điều này sẽ có tác dụng tích cực làm cho thị trường bất động sản trở lại với giá trị thực có.

Tuy nhiên có một thực tế khác thú vị, đó là, trong khi cả Chính phủ và Ngân hàng đều ưu tiên sẽ thắt chặt tiền tệ, giảm tín dụng bất động sản và trong bối cảnh dự báo nguồn cung năm 2011 sẽ tăng, điều này đồng nghĩa với việc giá cả sẽ có xu hướng giảm, thì người dân dường như đang kỳ vọng giá sẽ tăng cao và nhu cầu tín dụng bất động sản của doanh nghiệp vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu giảm trong năm 2011.

Theo khảo sát gần nhất của CBRE Vietnam, thị trường nhà ở trong năm 2011 sẽ tiếp tục chứng kiến nguồn cung ở mức cao, chỉ tính riêng phân khúc căn hộ cao cấp, trong năm 2011, Hà Nội sẽ có khoảng 16.000 căn, bằng tổng lượng cung của cả hai năm 2009 và 2010 và cũng theo điều tra của Vietnam Report, có đến 67% các doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng nhanh và chỉ có 33% cho rằng sẽ tăng vừa phải. Trong khi đó, nhận định về giá nhà trên thị trường Hà Nội, có đến 61,7% người tiêu dùng nhận định rằng giá nhà ở sẽ tăng.

Nhu cầu tín dụng bất động sản của doanh nghiệp không giảm cũng là điều dễ nhận thấy, vì dù sao vốn vay ngân hàng như trên đã phân tích, vẫn là nguồn chủ lực để phát triển các dự án bất động sản của doanh nghiệp. Điều đáng chú ý ở đây là kỳ vọng về giá cả sẽ tăng lên của người dân và người tiêu dùng có thu nhập cao dường như có quyết định tiếp tục vay ngân hàng trong tương lai. Có vẻ như ẩn chứa ở đây là dấu hiệu của hiện tượng đầu cơ đang âm ỉ khi người tiêu dùng, và có thể chính là các nhà đầu tư, đang kỳ vọng giá cao hơn và người giàu hơn lại càng muốn vay ngân hàng để mua bất động sản trong khi những người có nhu cầu thực tế đang khó tiếp cận được vốn ngân hàng vì lãi suất cao.

Thêm vào đó, điều đáng chú ý nữa chính là dấu hiệu của sự vênh nhau giữa cung và cầu tín dụng trên thị trường bất động sản Hà Nội, một mặt các ngân hàng siết chặt tín dụng, thu hẹp cung mặt khác nhu cầu chưa bao giờ có dấu hiệu chững lại!

Dù sao chăng nữa, với động thái thắt chặt tín dụng của các ngân hàng và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ vẫn là một tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản. Với động thái này, và nếu giải quyết tốt mối quan hệ cung cầu tín dụng, thị trường có thể sẽ sớm trở lại với giá trị thực và người dân có nhu cầu thực tế có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay mua nhà với lãi suất và các điều kiện hợp lý.

L.H