Để thành “Người khổng lồ”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 22/03/2011

(HNM) - Trong bài phát biểu bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, Trưởng ban tổ chức Lễ hội nhấn mạnh, đây là dịp để ngành cà phê Tây Nguyên nói chung và thủ phủ của cây cà phê Việt Nam (địa bàn tỉnh Đắc Lắc) nói riêng tạo dựng thương hiệu, thúc đẩy phát triển bền vững về giá trị kinh tế và giá trị văn hóa.


Chắc chắn đây không chỉ là mục tiêu phấn đấu của ngành cà phê mà là mục tiêu chung của hàng loạt mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam. Và mục tiêu đó, từ cả chục năm về trước đã được xác định, song từ nhận thức tới hành động có thể thấy sự chuyển biến đã rất chậm.

Việt Nam hiện là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới (chỉ đứng sau Brazil) và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê vối, chúng ta chiếm tới 18% lượng cà phê buôn bán trên thị trường toàn cầu. Điều đó thật đáng tự hào.

Tuy nhiên, phân tích trong các cuộc hội thảo cho thấy, tính chung trong 10 năm gần đây, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 51,5% giá bình quân của thế giới. Trong khi đó, giá xuất khẩu cà phê Arabica (Brazil) bằng 95,3% giá bình quân của thế giới, giá cà phê Arabica của Colombia bằng 124% giá thế giới. Ngay như cà phê Robusta của Indonesia gần tương tự như Việt Nam nhưng vẫn đạt 72,4% giá bình quân của thế giới... Mặt khác, những năm qua diện tích trồng cà phê ở Việt Nam tăng mạnh nhưng chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch; phần lớn diện tích trồng bằng hạt, chất lượng kém lại già cỗi nhưng chậm được tái canh; các biện pháp canh tác tiên tiến chưa được áp dụng rộng rãi; thiếu khoa học trong chế biến và bảo quản… Lại nữa, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê có thứ hạng của thế giới nhưng người hưởng lợi không phải là chúng ta. CHLB Đức là bạn hàng nhập khẩu cà phê số 1 của Việt Nam. Các DN của Đức nhập khẩu không phải để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ cà phê của quốc gia này mà để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Thực tế họ đã vươn lên trong tốp dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê dù trên lãnh thổ không hề trồng cà phê, thậm chí kim ngạch xuất khẩu thu được từ mặt hàng này của họ còn vượt qua cả cường quốc đứng đầu thế giới là Brazil. Cũng bởi vậy, việc chúng ta không chủ động được thị trường, bị các nhà đầu tư nước ngoài điều tiết, chi phối giá cũng là điều không lạ. Ngẫm những chuyện đó không khỏi phiền lòng. Và cũng không có gì lạ khi người trồng một nắng hai sương mà lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo như "đến hẹn lại lên" về nghịch lý được mùa - mất giá hay được giá - mất mùa.

Ngoài cà phê, không mấy quốc gia như Việt Nam có hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu nằm trong tốp đứng đầu của thế giới như: gạo, hồ tiêu, cao su, chè, hạt điều... Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang sử dụng những sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam nhưng hầu như chúng ta chưa xây dựng được những thương hiệu khẳng định bản sắc và vị thế Việt Nam. Tiềm năng xuất khẩu và lợi nhuận thu về từ những sản phẩm Madein Việt Nam chính hiệu là rất lớn, song tiếc rằng, hiện nay chúng ta vẫn đứng sau "chiếc bóng" của những người khổng lồ như Thái Lan, Brazil, Hoa Kỳ, CHLB Đức... Do đó sự tự hào về những điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng... do thiên nhiên ban tặng cho dải đất hình chữ S để có thể thích nghi trong sản xuất một số mặt hàng nông sản chưa biến thành sức mạnh, thành lợi thế của Việt Nam. Thậm chí, nhiều khi sức cạnh tranh của các sản phẩm của chúng ta còn yếu, mong manh trước những tác động của thị trường toàn cầu. Cũng bởi vậy, lợi nhuận thu được mới chủ yếu dừng lại ở phần ngọn, mang tính bề nổi, theo kiểu "lấy công làm lãi"... Hàng chục năm qua đã như vậy, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để phân tích các nguyên nhân. Nếu những bất cập nêu trên không được giải quyết toàn diện; nếu những mục tiêu đặt ra cho tương lai vẫn như lời ông Trưởng ban tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột nhấn mạnh thì bao giờ chúng ta mới trở thành "người khổng lồ"?

Hoàng Thu Vân