Thách thức Libya
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 22/03/2011
Dưới sự bảo trợ của Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA), ý tưởng can thiệp được nhen nhóm ngay từ những ngày Libya rơi vào vòng xoáy bạo lực đã lập tức diễn ra với tốc độ khác thường, cho dù Tripoli đưa ra lệnh ngừng bắn.
Với màn dạo đầu của chiến dịch "Bình minh Odessey" được tuyên bố nhằm vô hiệu hóa năng lực quốc phòng của Chính phủ Tổng thống M.Gaddafi, 64 người Libya đã thiệt mạng trong khi khoảng 150 người khác bị thương. Không khó hiểu khi ít nhất 112 tên lửa Tomahawk và vũ khí thông minh đã rót xuống Libya trong hơn 48 giờ qua.
Nhiều người dân tại Benghazi và nhiều thành phố khác của Libya đang tìm cách thoát khỏi khói súng khi bị thức giấc bởi vô số tiếng nổ. Đến lúc này, những nghi vấn về mục tiêu bảo vệ người dân Libya khỏi bạo lực - được giương lên như ngọn cờ của hành động quân sự quốc tế lớn nhất kể từ sau cuộc chiến Iraq gây chia rẽ thế giới năm 2003 - đã trở nên rõ ràng hơn. Từ chỗ đề nghị thiết lập vùng cấm bay ở Libya được đánh giá như một sự thay đổi quan điểm ngoại giao đáng kể, Liên đoàn Arab (AL) đã hốt hoảng triệu tập cuộc họp khẩn cấp và lên án sự can dự mà AL cho rằng không đúng với mục đích bảo vệ thường dân sau khi các cuộc không kích cho thấy liên quân phương Tây đã không chỉ dùng tên lửa mà còn dội cả bom vào các khu vực có dân thường.
Với nhiều người, thật khó tin khi liên minh quân sự phương Tây và Mỹ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu USD trong lúc nền kinh tế liên tiếp trải qua những cơn choáng chỉ vì mạng sống của thường dân ở một xứ sở Phi châu xa xôi. Bằng chứng là, chưa hề có hành động cụ thể nào từ phương Tây được đưa ra trên đất nước Libya để lập lại trật tự tại quốc gia này. Ngược lại lịch sử, Liên minh châu Phi (AU) cũng từng yêu cầu một vùng cấm bay khi cuộc nội chiến Somalia thậm chí còn đẫm máu hơn chiến trường Libya, nhưng không một máy bay tuần tra nào từ phương Tây xuất hiện trên bầu trời Mogadishu. Câu trả lời khá đơn giản: Manama và Sanaa là những đồng minh chiến lược của Mỹ còn Tripoli lại luôn được xem là "địch thủ" hàng đầu tại châu Phi. Vì thế, khi đã có được "giấy phép" của HĐBA, ngọn giáo chiến tranh đã mở hết tốc lực để hướng về sa mạc Libya bởi đây là cơ hội "nghìn năm có một" để phương Tây và Mỹ tận dụng nhằm loại bỏ người đứng đầu quốc gia giàu dầu mỏ nhưng luôn biết dầu của Libya sẽ chảy về đâu. Sau khi Pháp công nhận quân nổi dậy như một chính phủ tại Benghazi, chiến dịch trút lửa xuống Libya như đang diễn ra đúng lúc liên minh lỏng lẻo của phe nổi dậy sắp thất thế chẳng khác nào lời ủng hộ công khai của phương Tây và Mỹ với lực lượng này. Dù có thừa nhận hay không thì việc lập được một chính phủ Libya mới thân thiện hơn không chỉ mang lại cho Mỹ và phương Tây những lợi ích vật chất từ nguồn dầu lửa khổng lồ mà còn có thể mở ra nhiều hướng đi cho ván cờ tái cấu trúc khu vực chiến lược rộng lớn Trung Đông - Bắc Phi.
Tham vọng biến thành vũ lực đang khiến những mối quan ngại tăng dần ở khắp nơi trên trái đất về việc sử dụng vũ lực mà Nga cho rằng đã vượt quá Nghị quyết 1973 của HĐBA để can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền. Một tiền lệ mà theo ông M.Gaddafi là vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ đang mang đến nguy cơ bất ổn mới cho thế giới Arab đang rơi vào biến động lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Cuộc chiến thứ III tại thế giới Hồi giáo đang đặt Libya trước những thách thức tái thiết thật to lớn. Có nhiều nghi ngờ về khả năng một xã hội bộ lạc được lập nên trên nền tảng của sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc với 140 bộ tộc như Libya sẽ nhanh chóng trở nên thống nhất sau cuộc tấn công này. Ngược lại, cũng không có gì bảo đảm một chiến dịch đổ bộ có thể nhằm ngăn chặn một cuộc nội chiến ở quốc gia gần 6 triệu dân này sẽ loại trừ mối đe dọa tranh giành ảnh hưởng trong tương lai giữa các bộ tộc từng rất khó khăn trong cuộc tìm kiếm tiếng nói chung về quyền lực. Đô đốc Mike Mullen của Mỹ - một người có tiếng nói không thể được xem nhẹ vào lúc này - cũng thừa nhận, can thiệp quân sự vào Libya có thể dẫn tới một sự bế tắc tại quốc gia Bắc Phi.
"Bình minh Odessey" đã bước vào giai đoạn II với hứa hẹn ác liệt hơn khi những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đang cầu mong bình yên trở lại với đất nước Libya. Thế nhưng, bình minh mới liệu có thể mang lại ánh sáng hơn? Chỉ tương lai mới có thể trả lời cho câu hỏi này.