Kêu gọi chấm dứt hành động quân sự chống Libya

Thế giới - Ngày đăng : 20:22, 21/03/2011

Sự kiện các nước phương Tây tấn công quân sự vào Libya đã gây dư luận phản đối mạnh từ cộng đồng quốc tế nên nhiều nước đã lên tiếng yêu cầu chấm dứt sự can thiệp quân sự này.

Máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp sẵn sàng tham gia chiến dịch "Bình minh Odyssey" tấn công Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 21/3 kêu gọi "chấm dứt sớm nhất có thể" hành động can thiệp quân sự đa quốc gia ở Libya. Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Arập Xêút ông Erdogan nhấn mạnh "Libya cần nhanh chóng ổn định trở lại và tự quyết định con đường của mình."

Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO), khiến NATO trong cuộc họp ngày 20/3 vừa qua đã không nhất trí được về sự tham gia của khối này vào chiến dịch quân sự chống Libya. NATO tiếp tục nhóm họp trong ngày hôm nay (21/3) để thảo luận vấn đề này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cùng ngày tuyên bố nước này "có nhiều lý do" để không tham gia các hành động quân sự chống lại Libya.

Phát biểu khi đến Brussels, Bỉ, tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), ông Westerwelle nói Berlin đã quyết định không tham gia sau khi tính đến những rủi ro; đồng thời nhấn mạnh rằng Liên đoàn Arập (AL) đã phê phán hành động can thiệp quân sự.

Trước đó, Ngoại trưởng Đức đã cảnh báo về một cuộc chiến lâu dài khi các lực lượng Pháp, Anh và Mỹ khai hỏa chiến dịch tấn công Libya.

Theo phóng viên TTXVN tại Mátxcơva, Bộ Ngoại giao Belarus tối 20/3 cũng ra tuyên bố yêu cầu chấm dứt ngay lập tức mọi hành động quân sự chống Libya. Tuyên bố khẳng định các cuộc không kích bằng bom và tên lửa xuống lãnh thổ Libya đang vượt khỏi khuôn khổ nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đi ngược lại mục đích chính được ghi trong nghị quyết này.

Belarus kêu gọi các nước tham gia chiến dịch quân sự chống Libya chấm dứt ngay các cuộc không kích đang gây chết chóc cho dân chúng; cho rằng tìm giải pháp cho cuộc xung đột là công việc nội bộ của Libya và phải được chính nhân dân Libya thực hiện mà không có bất cứ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài.

Bộ Ngoại giao Indonesia trong ngày cũng kêu gọi thúc đẩy tiến trình chính trị hòa bình tại Libya. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến trình chính trị dân chủ, hòa bình tại Libya, ngăn chặn bạo lực và xung đột.

Chính phủ Indonesia kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ dân thường vô tội đang trở thành nạn nhân của vòng xoáy bạo lực.

Theo AFP, cũng trong ngày, một nhóm người ủng hộ nhà lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi đã tập trung biểu tình tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập khi Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki Moon tới thăm nước này.

Theo TTXVN/Vietnam+