Kinh tế Mỹ Latinh trụ vững và tăng trưởng mạnh
Thế giới - Ngày đăng : 20:19, 21/03/2011
Mỹ Latinh được đánh giá ít bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao nhờ có ngành công nghiệp dầu và khí đốt tương đối lớn. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters) |
Cũng như các nước khác, khu vực Mỹ Latinh đang lo ngại về sự cố điện hạt nhân sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản, cuộc khủng hoảng ở Libya và biến động chính trị tại Trung Đông. Trước tình hình đáng lo ngại này, các thị trường đã biến động khiến đồng real của Brazil giảm 2% trong hai tuần qua, trong khi đồng peso của Chile giảm 1,5%, đồng nội tệ của Mexico giảm 0,5%.
Đồng nội tệ của các nước Mỹ Latinh giảm giá cho phép các nhà hoạch định chính sách - trong thời gian qua đã tỏ ý lo ngại về tình trạng dòng vốn từ bên ngoài chảy vào khu vực này tăng mạnh - có thể tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, phòng tránh các nguy cơ bong bóng tài sản.
Tình hình biến động chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi đã đẩy giá dầu leo thang, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bất lợi đối với kinh tế Mỹ. Tuy vậy, Mỹ Latinh được đánh giá là ít bị ảnh hưởng của tình trạng giá năng lượng tăng cao nhờ có ngành công nghiệp dầu và khí đốt tương đối lớn.
Theo giới phân tích, các nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn nhiều nước đang phát triển nhờ chính phủ các quốc gia này đã cải thiện khả năng tài chính, tăng cường huy động nguồn vốn trong nước trong những thập kỷ gần đây.
Theo số liệu mới đây, kinh tế Chile đã tăng trưởng chậm lại ở mức 5,8% trong quý IV/2010, nhưng giá đồng - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Chile - cùng với nhu cầu trong nước tăng cao sẽ dẫn tới mức tăng trưởng mạnh mẽ của nước này trong thời gian tới. Trước triển vọng này, Ngân hàng trung ương Chile đã tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến trong ngày 18/3 vừa qua.
Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ Latinh đang thận trọng trước khả năng tăng lãi suất do điều này có thể thu hút thêm luồng vốn từ nước ngoài chảy vào, làm tăng giá các đồng nội tệ.
Cũng như Chile, Brazil lại tiếp tục tăng lãi suất, nhưng nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này dường như chậm lại đáng kể so với dự kiến do giá tiêu dùng tăng cao, ngân sách bị cắt giảm và chi phí xăng dầu leo thang. Điều này dự kiến có thể dẫn tới chính sách tiền tệ "mềm dẻo" hơn của ngân hàng trung ương nước này trong những tháng tới.