Túi độn ngực trong phẫu thuật thẩm mỹ
Xã hội - Ngày đăng : 15:46, 21/03/2011
Từ đầu những năm 1900 đến giữa thế kỷ XX, liên tiếp có những nghiên cứu để tìm ra vật liệu thích hợp, nào là dùng ngà voi, trái banh bằng thủy tinh, sừng bò... đến những vật liệu bằng cao su, các chất dẻo tổng hợp. Thử nghiệm thành công với sợi polyester (polyurethane), hãng Arion - Pháp giới thiệu túi nâng ngực bơm nước muối đầu tiên trên thế giới, túi này chế tạo có vỏ dày, sau khi đưa vào cơ thể, chúng được bơm nước muối đẳng trương vào bên trong.
Túi độn ngực dạng gel - silicon được giới thiệu đầu tiên tại Mỹ vào năm 1961 bởi Thomas Croin và Frank Gerow và trường hợp nâng ngực đầu tiên với túi gel-silicon được thực hiện vào năm 1962.
Việc ra đời của các thế hệ túi độn ngực cũng gắn chặt với lịch sử chấp nhận của cơ quan FDA (Mỹ). Thế hệ thứ nhất ra đời từ những năm 1960 với đặc điểm vỏ dày bằng cao su, sự kết dính của chất gel lỏng lẻo. Những báo cáo liên tiếp mà cơ quan FDA nhận được cho thấy sự mất ổn định của chất này khi đưa vào cơ thể.
Thế hệ thứ hai ra đời vào đầu năm 1970, với vỏ bao mỏng hơn, sự kết dính gel nhiều hơn nhưng lại dễ vỡ và dễ tạo bao xơ cứng (bao xơ là phản ứng tự nhiên của cơ thể với vật liệu đưa từ ngoài vào cơ thể). Các cuộc kiện tụng kéo dài, kết quả là công ty chế tạo túi Croin phá sản vào năm 1990, cũng là kết thúc túi gel thế hệ thứ hai. Tuy nhiên, một chút cải tiến của Becker cho ra đời loại túi độn ngực hai lòng. Túi có cấu tạo hai khoang, bên trong là khoang rỗng để bơm nước biển, bao bên ngoài là lớp gel-silicon, ứng dụng cho những bệnh nhân đã phẫu thuật cắt ung thư vú cần được tái tạo. Loại túi này vẫn còn có tên tới nay là túi BECKER.
Thế hệ thứ ba và thứ bốn ra đời vào giữa những năm 1980. Trên cơ sở của những tiến bộ có được về cấu trúc gel, túi độn ngực được tăng cường các sợi đàn hồi ở vỏ bao, tăng cường tính kết dính của cấu trúc gel bên trong nhằm giảm sự rò rỉ của chất gel ra khỏi vỏ bao túi.
Năm 1992, FDA chấp nhận cho việc nghiên cứu lại chất này với mục đích: dùng cho bệnh nhân ung thư, khiếm khuyết tuyến vú bẩm sinh. Năm 1997, Viện Nghiên cứu y tế và học viện quốc gia về các ngành khoa học đưa ra kết luận: không có bằng chứng liên quan đến các bệnh ung thư, bệnh tật khác cũng như bệnh thần kinh và cũng không có sự khác biệt giữa nhóm đặt túi độn ngực và nhóm không đặt túi nâng ngực. Cuối cùng, FDA chấp nhận cho sử dụng trên người vào năm 2000, kết thúc những tranh cãi kéo dài.
Việc ra đời của các thế hệ túi độn ngực cũng gắn chặt với lịch sử chấp nhận của cơ quan FDA (Mỹ).
Nhưng cùng lúc, họ đưa chỉ định:
1. Với túi nước biển: dành cho lứa tuổi từ 18 trở lên.
2. Với túi gel sẽ cân nhắc từ 20 tuổi trở lên: đừng cố nhồi túi độn ngực vào bên trong cơ thể qua đường rạch quá nhỏ vì sẽ làm gãy cấu trúc gel và biến thế hệ gel bốn thành thế hệ gel hai.
Những điều cần lưu ý với túi gel:
1. Túi gel phải được xem thuộc thế hệ nào, chế độ bảo hành ra sao? Cấu trúc gel bên trong phải đảm bảo mềm mại không sượng cứng.
2. Đừng cố chọn túi quá to sẽ dễ bị cứng, nứt da và chảy sệ.
3. Hãy cẩn trọng với đường rạch da để đưa túi vào vì đường rạch càng nhỏ tỷ lệ gel dễ rò rỉ càng cao.
BS Phạm Xuân Khiêm
(Trung tâm thẩm mỹ Emcas, TP.HCM)