Tập trung thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt

Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 21/03/2011

(HNMO) – Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/3, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết, một trong những giải pháp chủ yếu mà Chính phủ tập trung điều hành, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 là thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước.


Cụ thể, năm nay, Chính phủ phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước 7-8% so với dự toán năm 2011 đã được Quốc hội thông qua; Rà soát, sắp xếp lại chi thường xuyên để tiết kiệm thên 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011; Rà soát, sắp xếp, cắt giảm đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hiệu quả; Giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2011 xuống dưới 5%, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương sẽ không ứng trước, không kéo dài thời gian sử dụng vốn, chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).


Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng


Chính phủ cũng sẽ thực hiện chính sác tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, trong đó hạn chế tăng cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu tốc độ tăng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%; điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là lượng tiền cung ứng, các loại lãi suất, tỷ giá, bảo đảm phù hợp với diễn biến thị trường; nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng…

4 nhóm giải pháp chủ yếu khác mà Chính phủ đề ra cho năm 2011 gồm: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền

Báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế-xã hội năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nhìn chung năm qua, kinh tế-xã hội đất nước phát triển theo chiều hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được ổn định. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững… Một số con số đáng chú ý được Phó thủ tướng công bố là: GDP năm 2010 đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu QH thông qua (6,5%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2010 đạt trên 830.000 tỷ đồng, bằng 41,9% GDP và vượt chỉ tiêu QH giao (39,5% GDP); thu ngân sách Nhà nước năm 2010 vượt 21,2% so với dự toán; tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 giảm còn 9,45% (giảm 1,89% so với năm 2009); dư nợ Chính phủ đến ngày 31/12/2010 bằng 44,1% GDP, dư nợ quốc gia bằng 42,2%, được kiểm soát trong giới hạn

Cần tiếp tục điều tiết giảm tổng cầu của nền kinh tế để giảm bớt sức ép lạp phát

Thẩm tra báo cáo Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí, kết quả thực hiện mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước về cơ bản đúng với những đánh giá, nhận định đã trình Quốc hội. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm 2010 đã xuất hiện một số diễn biến mới, tác động xấu đến kinh tế-xã hội đất nước. Đó là: lạm phát tăng cao đột biến so với các tháng liền kề; thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại tệ diễn biến phức tạp, gây thêm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Trong những tháng đầu năm 2011, Ủy ban Kinh tế đánh giá, với những giải pháp, biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả tích cực, như: tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 40,3%; thu ngân sách ước tăng 17,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2010; tốc độ tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,5%.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tình hình lạm phát, lãi suất, tỷ giá những tháng đầu năm 2010 vẫn tiếp tục có biến động mạnh và diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đã tăng 3,87% so với tháng 12/2010, bằng 55% chỉ tiêu kế hoạch cả năm; lãi suất tiền gửi VND có lúc lên tới 16-17%/năm; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do biến động mạnh, có thời điểm cao hơn tỷ giá giao dịch chính thức gần 10%...

Từ thực tiễn trên, theo Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục điều tiết giảm tổng cầu của nền kinh tế để giảm bớt sức ép lạp phát, thu hẹp chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế để từng bước giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài, cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát nợ công và nợ quốc gia bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Chính phủ cần kiên quyết thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng và ngoại tệ bảo đảm hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật hiện hành, sớm khắc phục tình trạng sử dụng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam nhưng phải có lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm thị trường trong nước. Trước mắt, cần triển khai ngay các biện pháp cần thiết để tổ chức, cá nhân có nhu cầu hợp lý được mua ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần cơ cấu lại việc phân bổ các nguồn lực cho các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế một cách hợp lý, điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội, giảm vốn Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực, các dự án mang tính kinh doanh để tập trung vốn cho cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực xã hội; ưu tiên đầu tư phát triển nhanh nguồn nhân lực; cải cách doanh nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; tăng cường công tác quản lý, thực hiện quy hoạch…

H.V