Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 21/03/2011
Các DN sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động đã có nhiều khởi sắc, phát triển ổn định, tạo nhiều công ăn việc làm, từng bước nâng cao thu nhập của người lao động và góp phần vào bảo đảm an sinh xã hội. Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp các DN 100% vốn Nhà nước.
10 năm sắp xếp, đổi mới 340 DN 100% vốn Nhà nước
Lắp ráp xe đạp xuất khẩu tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thống Nhất. Ảnh: Bảo Kha
UBND TP Hà Nội vừa có Văn bản số 26/BC-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đánh giá tình hình 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN của TP. Theo đó, trong giai đoạn 2001-2010, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp 340 DN và bộ phận DN. Trong đó cổ phần hóa (CPH) 183 DN; chuyển 56 DN sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH nhà nước một thành viên; chuyển 9 DN sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; sáp nhập 37 DN; giải thể 6 DN…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển, công tác sắp xếp, CPH đã bám sát tinh thần chỉ đạo của trung ương và Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, TP đã sớm nghiên cứu áp dụng các biện pháp để tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc xác định giá trị DN CPH cũng như bán đấu giá cổ phần lần đầu… Trước khi CPH, đa số DN có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu vốn. Sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa kém. Nhiều DN hoạt động cầm chừng và những tồn tại về tài chính và tài sản chưa được xử lý dứt điểm đã trở thành gánh nặng đối với DN. Người lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp. Những tồn tại này đã được giải quyết sau khi CPH. Hiệu quả SXKD của DN có nhiều khởi sắc, phát triển ổn định, tạo nhiều công ăn việc làm, từng bước nâng cao thu nhập của người lao động và góp phần vào bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, nhiều năm liền, Hà Nội được Chính phủ đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn Nhà nước.
UBND TP cũng chuyển đổi và thành lập 5 tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, bao gồm Tổng Công ty Thương mại, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị và Tổng Công ty Du lịch. Sau 5 năm phát triển, cả 5 tổng công ty này đều tăng trưởng mạnh cả về quy mô lẫn nguồn nhân lực và công nghệ, thực sự là các DN chủ lực của Thủ đô.
Những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ
Theo lộ trình sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn Nhà nước, UBND TP dự kiến xây dựng kế hoạch giai đoạn 2011-2015 trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển đổi các tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, các công ty TNHH nhà nước một thành viên không thuộc đối tượng Nhà nước cần nắm giữ vốn sang hoạt động theo mô hình công ty CP. Các DNNN thực hiện CPH giai đoạn 2011-2015 có quy mô lớn, hiện là động lực kinh tế, đang nắm giữ nhiều nguồn lực đất đai. Hoạt động SXKD của DN gắn liền với chiến lược phát triển KT-XH của Thủ đô và vùng, là nhân tố giữ vững ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, tạo công ăn việc làm, thu hút lao động trong tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của trung ương còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, nên quá trình triển khai còn lúng túng. Quy định về việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và bán cho tổ chức công đoàn trong DN CPH còn bất cập. Đại diện một số DNNN của Hà Nội băn khoăn, việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất sát giá thị trường trong điều kiện bình thường để tính vào giá trị DN CPH là rất khó thực hiện và không bảo đảm tiến độ. Hầu hết mỗi DN đều đang quản lý sử dụng tối thiểu từ 2 lô đất trở lên thuộc đất đô thị. Các DN CPH bị tính giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị DN, song vẫn phải trả tiền thuê đất hằng năm. Đây cũng là một bất cập và bản thân cơ quan chức năng và DN không thể trả lời được rằng khi thực hiện các dự án có sử dụng đất thì có được trừ khoản chênh lệch đã nộp hay không…
Để công tác sắp xếp, CPH DNNN thuộc TP hoàn thành đúng kế hoạch lộ trình đề ra, tại văn bản báo cáo nói trên, TP Hà Nội kiến nghị sớm nghiên cứu, sửa đổi một số bất cập trong chính sách về CPH như: việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất và giá trị lợi thế kinh doanh vào DN CPH; chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại DN CPH; chính sách giải quyết lao động dôi dư. Bên cạnh đó, cho phép TP Hà Nội thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các công ty CP được chuyển đổi từ DNNN thuộc TP.
Đối với các tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và các công ty TNHH nhà nước một thành viên do quy mô vốn lớn, địa bàn hoạt động rộng, khi tiến hành CPH, đề nghị cho phép TP nắm giữ cổ phần trên 65% vốn điều lệ. Khi công ty cổ phần đi vào hoạt động ổn định và việc phát hành cổ phần được thuận lợi, TP sẽ xem xét bán bớt cổ phần tại các DN này để điều chỉnh giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước.