Liên quân khai hỏa cuộc chiến tại Libya

Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 21/03/2011

(HNM) - Rạng sáng 20-3, lực lượng liên quân Anh-Pháp-Mỹ đã có đợt tấn công đầu tiên vào lãnh thổ Libya mở màn cho hành động quân sự quốc tế lớn nhất kể từ cuộc chiến Iraq nhằm ủng hộ lực lượng nổi dậy chống chính quyền Libya.


Đánh giá thiệt hại của Libya


Ảnh mô phỏng máy bay chiến đấu từ các căn cứ Arab và phương Tây tham gia các cuộc không kích vào Libya.


Các quan chức Lầu Năm Góc cho hay tàu chiến và tàu ngầm Mỹ-Anh đã bắn 112 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào các hệ thống phòng thủ của quân đội Libya trong chiến dịch "Bình minh Odyssey", giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự chống Libya nhằm áp đặt vùng cấm bay của Liên hợp quốc. Trước đó cùng ngày, các máy bay của Pháp đã thực hiện 4 đợt oanh kích ở Libya, phá hủy một số xe thiết giáp thuộc lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, tấn công một cơ sở phòng không ở Tajura cách Thủ đô Tripoli khoảng 10km về phía đông.

Sau khi nã ít nhất 112 quả tên lửa Tomahawk vào Libya, giới chức quân sự liên quân chưa có đánh giá cụ thể về thiệt hại gây ra cho chính quyền Gaddafi. Hãng CNN dẫn nguồn tin theo Đài Truyền hình Libya cập nhật đến cuối ngày 20-3 cho biết, ít nhất 64 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Anh cho rằng, những thông tin trên phải được xem xét cẩn trọng do liên quân đã cố gắng tránh thương vong cho dân thường. Các lực lượng phương Tây đã oanh tạc các khu vực dân cư ở Thủ đô Tripoli và các bể chứa nhiên liệu cung cấp cho thành phố Misrata ở miền Tây Libya. Phóng viên quốc phòng BBC Jonathan Marcus cho biết, các nhà hoạch định quân sự của liên quân sẽ nghiên cứu kỹ các hình ảnh vệ tinh và do thám ngay lập tức để tìm hiểu xem hệ thống phòng không của Gaddafi bị tổn hại tới đâu và liệu có cần tiếp tục tấn công lần hai một số mục tiêu không.

Trong khi đó, tình hình chiến sự tại Libya tiếp tục căng thẳng. Kênh truyền hình CBS News cho biết, 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ đã ném 40 quả bom xuống một sân bay lớn của Libya. Tuy nhiên, giới chức chưa khẳng định thông tin này. Cùng ngày, truyền thông Pháp dẫn một nguồn tin quân sự cho biết hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của nước này đã rời cảng Toulon chiều 20-3 để tham gia chiến dịch quân sự tại Libya. Dự kiến tàu Charles de Gaulle mang theo 20 máy bay sẽ tới gần bờ biển Libya trong vòng 36 đến 48 giờ tới.

Libya sẽ theo đuổi cuộc chiến lâu dài

Phản ứng sau các cuộc tấn công của Pháp, Anh và Mỹ, trong một thông điệp ghi âm được phát trên truyền hình ngày 20-3, Nhà lãnh đạo Libya M. Gaddafi tuyên bố người dân nước này đang được vũ trang để sẵn sàng cho một "cuộc chiến lâu dài" và không có giới hạn nhằm đáp trả các lực lượng phương Tây. Nhà lãnh đạo Libya tuyên bố, hành động của phương Tây là phi lý, "đó đơn giản là cuộc xâm chiếm của thực dân, có thể châm ngòi cho một cuộc xâm chiếm lớn".

Bộ Ngoại giao Libya cho biết, nước này đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn sau khi các lực lượng liên minh phương Tây phát động không kích; đồng thời tuyên bố Tripoli coi bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an yêu cầu các lực lượng Libya ngừng bắn không còn giá trị sau các vụ tấn công của phương Tây vào lãnh thổ Libya.

Phản ứng của dư luận quốc tế

Ủy ban phụ trách cuộc khủng hoảng Libya thuộc Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi "dừng lại lập tức" mọi cuộc tấn công sau khi Mỹ, Pháp và Anh bắt đầu hành động quân sự nhằm vào Libya. Ủy ban AU cũng thông báo một cuộc họp tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào ngày 25-3 với đại diện từ Liên đoàn Arab, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, EU và LHQ để "đưa ra một cơ chế cho tham vấn và hành động cụ thể" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Libya.

Trong khi đó Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói, Nga lấy làm tiếc về sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libya. Tương tự, ngày 20-3, tuyên bố lấy làm tiếc về các hành động quân sự của liên quân chống chính quyền Libya, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này phản đối việc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Khương Du nhấn mạnh các nguyên tắc trong Hiến chương của LHQ và các đạo luật quốc tế liên quan cần phải được tuân thủ triệt để. Bà Khương Du đồng thời nêu rõ chủ quyền, độc lập, thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của Libya phải được tôn trọng.

Trong khi đó, cùng ngày, Chính phủ Liên bang Australia đã cảnh báo, sự can thiệp của quân đội quốc tế vào Libya sẽ phức tạp và rất khó khăn. Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez tuyên bố hành động quân sự nhằm vào Libya là để chiếm giữ trữ lượng dầu của quốc gia Bắc Phi này. "Họ muốn lấy dầu của Libya và họ không quan tâm gì tới cuộc sống của người dân Libya". Ông Chavez phát biểu trên truyền hình như vậy. Lãnh tụ cách mạng Cuba, Fidel Castro đã nói lên mối quan ngại tương tự, trong khi giới lãnh đạo cánh tả ở Bolivia và Nicaragua cũng cáo buộc cuộc can thiệp của các cường quốc thế giới là chỉ nhằm vào dầu mỏ của Libya.

Ngày 20-3, hàng trăm người dân Mỹ tập trung trước cổng Nhà Trắng phản đối hành động quân sự của Mỹ nhằm vào Libya. Cảnh sát Mỹ đã bắt 113 người biểu tình không tuân theo hướng dẫn của cảnh sát. Trong khi đó, hàng ngàn người ở Michigan, Chicago cũng biểu tình phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Libya.

Các quốc gia trực tiếp tham chiến và các loại vũ khí sử dụng
- Mỹ: Bắn tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu khu trục USS Barry và USS Stout, mỗi tàu có thể chở tới 96 tên lửa Tomahawk. Ngoài ra, tàu chiến đổ bộ USS Ponce và Kearsarge cùng hệ thống phòng thủ chống tên lửa và hạm đội trực thăng của Mỹ hiện đã ở ngoài khơi Libya.
- Pháp: Tiến hành không kích với ít nhất 20 máy bay Mirage và Rafale; Tàu sân bay Charles de Gaulle và nhiều tàu chiến hộ tống đã lên đường tới vùng biển Libya.
- Anh: Tham gia chiến dịch với tên gọi “Chiến dịch Ellamy” của quân đội Anh có máy bay Typhoon và Tornado thực hiện oanh tạc và máy bay trinh sát điện tử AWACS, Sentinel R1 do thám và vẽ sơ đồ mặt đất. Chiến hạm HMS Westminster và HMS Cumberland có khả năng mang tên lửa Tomahawk và ngư lôi hạng nặng cùng nhiều tàu ngầm của Anh đã vào cuộc chiến mang tên Địa Trung Hải này.
- Italia: Căn cứ NATO tại Naples được xem là trung tâm chỉ huy chiến dịch trong khi Rome đã đồng ý cho liên quân sử dụng các căn cứ không quân khác ở Sicily và Aviano… làm bệ phóng cho các cuộc tấn công.
- Canada: Đóng góp 6 máy bay chiến đấu F-18 và 140 binh sĩ.

Vân Khanh Theo BBC


Diễn biến cuộc khủng hoảng tại Libya
- Ngày 15-2: Biểu tình bùng phát tại thành phố miền Đông Benghazi khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông, làm 38 người bị thương.
- Ngày 17-2: Phe đối lập Libya qua các mạng xã hội kêu gọi tổ chức “Ngày thịnh nộ” biểu tình trên toàn quốc.
- Ngày 20-2: Phong trào phản kháng lan đến Thủ đô Tripoli.
- Ngày 22-2: Tổng thống Libya Muammar Gaddafi ra lệnh cho quân chính phủ dập tắt làn sóng nổi dậy.
- Ngày 26-2: Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) thông qua Nghị quyết cấm vận vũ khí với Libya.
- Ngày 29-2: Mỹ tái triển khai quân tại Địa Trung Hải, tàu chiến Mỹ áp sát Libya và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực.
- Ngày 1-3: Libya bị cắt làm hai khi phe đối lập tuyên bố giành quyền kiểm soát khu vực miền Đông trong khi miền Tây nằm trong tay Chính phủ.
- Ngày 5-3: Phe nổi dậy thành lập Hội đồng quốc gia tại Benghazi, khẳng định là đại diện duy nhất của Libya.
- Ngày 9-3: Libya phản đối ý định lập vùng cấm bay do phương Tây đề xuất.
- Ngày 10-3: Pháp trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận phe đối lập ở Libya.
- Ngày 12-3: Liên đoàn Arab đề nghị lập vùng cấm bay tại Libya.
- Ngày 17-3: Quân chính phủ mở cuộc tấn công đầu tiên vào Benghazi - thành trì của quân nổi dậy.
- Ngày 18-3: HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1973 áp đặt vùng cấm bay tại Libya và sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân.
- Ngày 19-3: 20 máy bay chiến đấu Pháp mở màn cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Libya lúc 16:45 (giờ GMT tức 23:45 giờ Việt Nam)
.


Minh Nhật

Thùy Dương