Trách nhiệm nặng nề của nhà báo
Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 21/03/2011
Tấm huy hiệu phải trả lại
Các thông tin khi đưa lên những trang báo cần được thẩm định nghiêm túc và chính xác.
Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN - đơn vị được coi là "ngân hàng tin" của truyền thông Việt Nam, đã kể một câu chuyện đáng nhớ về thẩm định nguồn tin. "Khoảng năm 1950, một nhà báo có nhiệm vụ đưa tin về những tấm gương vùng công giáo. Trong khi có mặt ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, anh đã "sáng tác" bài viết về gương một người nông dân sản xuất giỏi ở Bùi Chu. Tòa soạn tin ở nhà báo, thế là cho đăng luôn. Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó đã đưa lại tin này lên sóng và gửi báo cáo tới Bác Hồ. Một thời gian sau, tòa soạn nhận được huy hiệu của Bác Hồ gửi tặng nhân vật và có yêu cầu kiểm tra lại thông tin. Sau khi thẩm tra thông qua Tỉnh ủy Nam Định thì thấy không có nhân vật ở Bùi Chu như bài báo phản ánh. Tấm huy hiệu đã được gửi lại Văn phòng Chủ tịch nước. Nhưng câu chuyện ấy thì tôi còn nhớ mãi!".
Câu chuyện "sáng tác" mà nhà báo lão thành Đỗ Phượng kể nay lặp lại ở một kênh truyền thông uy tín, với tình huống nhân vật lừa dối nhà báo, lừa dối công chúng, còn người đưa tin đã chủ quan không thẩm định nguồn tin. Chuyện chiếc huy hiệu buộc phải trả lại trước kia hay bây giờ là phản ứng của công chúng đối với vụ cô "Lượm" nói dối hàng triệu khán giả và việc "Người xây tổ ấm" vô tình làm thất vọng người xem đều có một điểm chung là làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với người làm báo.
Thông tin trong "thế giới phẳng"
Các thành viên The Missouri Group - nhóm biên soạn giáo trình "Nhà báo hiện đại" được coi là cẩm nang của nhà báo thế kỷ XXI đã thốt lên: "Việc đạt được một "phiên bản tốt nhất của sự thật" quả là thử thách đối với bất kỳ nhà báo nào". Đặc biệt là trong môi trường "thế giới phẳng" như hiện nay, thông tin lan tỏa theo tốc độ đường truyền internet thì cơ hội rút lại một cách toàn vẹn những gì không chính xác gần như không có. Chính vì thế, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhà báo Đỗ Phượng nhấn mạnh: "Trách nhiệm thẩm định thông tin của nhà báo ở thời nào cũng như nhau, nhưng trong điều kiện hiện nay khi thông tin sai sự thật có điều kiện lan rộng, nhanh hơn thì nhiệm vụ này càng quan trọng hơn và trách nhiệm ấy càng nặng nề hơn".
Có thể nêu ví dụ về thảm họa động đất, sóng thần và nguy cơ mất an toàn hạt nhân tại Nhật Bản. BBC đã đưa tin đầu tiên về sự rò rỉ phóng xạ, sau đó hãng khác đưa lại và tiếp tục đưa cụ thể hơn với những khuyến cáo về mưa axít… Tin tức tiếp tục lan rộng với chiều hướng không chính xác lớn hơn, gây hoang mang, lo ngại. Ở nước ta, trong một ngày, nhiều người đã nhận được thông tin về việc phải thận trọng khi ra đường vì có mưa axit. Trường hợp trên, sự vội vàng chiếm lĩnh thông tin đã khiến người đưa tin không thẩm định kỹ càng.
Một lần nữa chúng ta lại được thấy thông tin trong "thế giới phẳng" có khả năng lan tỏa nhanh, sức ảnh hưởng lớn như thế nào. Theo Viện Đào tạo nâng cao báo chí Fojo Kalmar (Thụy Điển) thì xu thế tòa soạn báo chí hiện đại là tòa soạn đa phương tiện. Mỗi thông tin trên một loại hình báo chí có khả năng xuất hiện tiếp tục và liên tục ở các loại hình khác. Một khi thông tin không chính xác, sức tàn phá của nó sẽ là cấp số nhân.
Nhà báo làm việc trong "thế giới phẳng" với phương tiện hiện đại có nhiều thuận lợi, nhưng áp lực trước tốc độ ảnh hưởng thông tin cũng nặng nề hơn, nhất là khi thông tin này ảnh hưởng đến những quyết sách quan trọng của đất nước.
"Cần gấp một thùng rác lớn"
Đó là hình ảnh vui minh họa cho công việc thẩm định, xử lý thông tin vô cùng phức tạp của nhà báo do các nhà báo Thụy Điển và Việt Nam đưa ra. Từ vô số nguồn tin, nhà báo phải phân tích, chắt lọc và thường là thứ bỏ đi nhiều hơn là thứ giữ lại. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn, nhà báo Mỹ Anna Quindlen nói: "Làm phóng viên thì công việc chủ yếu là chuẩn hóa thông tin". Nói cách khác, như một nhà báo lão thành của Việt Nam thì "nhà báo phải tra cứu suốt đời, không chỉ thẩm định thông tin hiện tại, mà còn phải kiểm tra cả thông tin trong quá khứ…".
"Cần thùng rác lớn" còn là bởi việc thẩm định nguồn tin không phải chỉ là đúng hay sai mà còn là đúng về bản chất hay chưa. Về điều này, nhà báo Đỗ Phượng chia sẻ: Sự sai sót sẽ gõ cửa không phải chỉ các nhà báo trẻ mà cả những người có kinh nghiệm. Bởi lẽ người làm báo luôn thường trực thói quen muốn thông tin nhanh, nhất là những thông tin phù hợp với mục đích bài viết, chương trình của mình. Những sai sót phần lớn không phải có dụng ý xấu. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là ý thức trách nhiệm của người làm báo. Cũng cần có bản lĩnh để không chạy theo thời hạn đăng bài, để trình bày thẳng thắn những nghi ngờ của mình về một vấn đề nào đó. Vì làm báo là làm suốt đời, chứ không phải chỉ là một lần!