Libya trước bão tố

Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 21/03/2011

(HNM) - Sự can thiệp của Mỹ và phương Tây sau Nghị quyết 1973 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (được thông qua ngày 18-3) đã đánh dấu một trang mới trong lịch sử của không chỉ một quốc gia tại Lục địa đen mà còn với cả châu Phi.

Với diện tích 1,8 triệu kilômét vuông nhưng có tới 90% là sa mạc, Libya - có diện tích lớn thứ 4 ở châu Phi và đứng thứ 17 trên thế giới - từng bị chinh phục ở nhiều mức độ khác nhau từ bên ngoài bởi người Phoenicia, Carthage, Hy Lạp cổ đại, La Mã, Vandal, Byzantine, người Arab vào thế kỷ thứ VII, đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa thế kỷ XVI và gần đây nhất là Italia từ năm 1911.

Ngày 21-11-1949, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết tuyên bố Libya trở thành một nước độc lập trước ngày 1-1-1952. Ngày 24-12-1951, đất nước bên bờ Địa Trung Hải này đã trở thành quốc gia đầu tiên giành được độc lập thông qua LHQ và là một trong những thuộc địa đầu tiên của các đế quốc châu Âu ở châu Phi giành lại quyền tự chủ. Libya tuyên bố theo chính thể quân chủ lập hiến dưới quyền Vua Idris. Sự kiện phát hiện ra những giếng dầu với trữ lượng lớn năm 1959 và nguồn thu khổng lồ có được từ nguồn nhiên liệu vàng này đã cải thiện đáng kể tình hình tài chính của Libya lúc đó. Nhưng, sự bất mãn của dân chúng đã gia tăng khi tài sản quốc gia ngày càng tập trung vào tay Vua Idris và tầng lớp quý tộc.

Một em bé bị thương trong cuộc chiến tại Libya.

10 năm sau, ngày 1-9-1969, Vua Idris bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu do một nhóm binh sĩ thực hiện dưới sự lãnh đạo của Muammar Gaddafi, lúc đó mới 27 tuổi. Nhà lãnh đạo M.Gaddafi đã xóa bỏ chế độ quân chủ và tuyên bố thành lập Nhà nước Cộng hòa Libya Arab mới. Năm 1977, Đại tá Gaddafi thay đổi hình thức thể chế từ cộng hòa sang "jamahiriya" - một từ mới - có nghĩa là "Nhà nước đại chúng". Chỉ sau hai năm, ông rời bỏ mọi chức vụ trong Chính phủ để tương thích với triết học theo Chủ nghĩa quân bình mới; song, trên thực tế ông nắm quyền gần như tuyệt đối tại Libya.

Dưới sự lãnh đạo của ông Gaddafi, Libya được xem như bên kia chiến tuyến với các "ông lớn" trên thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ lạnh lùng này trở nên cực kỳ căng thẳng sau khi Tripoli bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom chiếc máy bay thương mại trên bầu trời Lockerbie năm 1988 làm 270 người thiệt mạng. Suốt những năm sau đó, Libya là tâm điểm của các biện pháp trừng phạt và cô lập ngoại giao mạnh mẽ nhất tại châu Phi. Thế nhưng, tình thế đã xoay chuyển khi Libya bất ngờ nhận trách nhiệm, đồng ý chi trả khoản bồi thường khồng lổ 2,7 tỷ USD cho gia đình các nạn nhân và khẳng định ngừng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt mà phương Tây hoài nghi. Sự "thức thời" của ông M.Gaddafi đã được ngợi ca và kết quả là hàng loạt chuyến công du của lãnh đạo các nước phương Tây đến Libya như Thủ tướng Anh (2004), Tổng thống Pháp (2007), Ngoại trưởng Mỹ (2008) như bằng chứng cho mối quan hệ đang được cải thiện với tốc độ đáng kinh ngạc giữa Libya với Mỹ và phương Tây.

Trong 42 năm nắm quyền lãnh đạo, không thể phủ nhận rằng với nguồn dầu mỏ có trữ lượng lớn nhất châu Phi, nhà lãnh đạo M.Gaddafi đã đưa Libya từ vị thế một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một đất nước giàu có với thu nhập bình quân đầu người lên đến 12.000 USD/năm, cao nhất Bắc Phi. Nạn mù chữ và tình trạng vô gia cư đã được đẩy lùi một cách hiệu quả. Nhà lãnh đạo 69 tuổi được đánh giá là đã biết cách chế ngự thành công những hiềm kích của chủ nghĩa sắc tộc tồn tại dai dẳng tại đất nước gồm khoảng 140 bộ tộc khác nhau như ở Libya. Để các bộ tộc từng có hiềm khích đều có đại diện trong quân đội, ông M.Gaddafi đã thiết lập được một hệ thống hành pháp khá hiệu quả. Thế nhưng, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh và ngày càng sâu sắc khi nhà lãnh đạo M.Gaddafi gần đây đã thay thế những nhân vật quan trọng trong quân đội và Chính phủ thuộc các bộ tộc khác bằng những thành viên trung thành trong bộ tộc Gadhadfa của ông hiện kiểm soát lãnh địa Tripoli. Vì thế, khi bạo động bùng phát, không chỉ bộ tộc Senoussi lớn nhất tại Benghazi, mà các bộ tộc khác như Warfala, Bani Walid, Tarhuna, Magariha, Zawiya, Zinta… ở những thành phố miền Bắc và miền Đông giàu dầu mỏ đã quay lưng chống lại nhà lãnh đạo của họ.

Một xã hội bị chi phối bởi quan niệm bộ lạc sâu sắc như Libya, sau chiến dịch can thiệp quân sự lớn nhất lịch sử hiện đại của phương Tây và Mỹ tại châu Phi đang diễn ra, một thời kỳ "hậu M.Gaddafi" có diễn ra bình yên hay không đang là một ẩn số. Từ thực tế nhãn tiền ở Afghanistan và Iraq, câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Nhưng, có điều chắc chắn rằng, quốc gia 6 triệu dân này đã và đang bước vào một giai đoạn mới đầy sóng gió.

Vân Khanh