Giám đốc KOTO - “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu”

Đời sống - Ngày đăng : 08:16, 20/03/2011

(HNM) - Với các tiêu chí gồm những thành tựu về chuyên môn, mức độ cống hiến cho xã hội, tiềm năng góp phần định hướng tương lai thế giới thông qua khả năng lãnh đạo có sức ảnh hưởng… ngày 10-3 vừa qua Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2011 đã vinh danh Jimmy Phạm - sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành KOTO quốc tế - Tổ chức đào tạo nghề nhà hàng phi lợi nhuận là


Triết lý "Biết một, dạy một"

Gặp Jimmy Phạm, người mang hai dòng máu Việt - Hàn, sinh ra tại Việt Nam nhưng lớn lên ở Sydney (Australia), đúng một ngày sau khi anh được WEF vinh danh là một trong 190 "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu" của 65 quốc gia. Không giấu được niềm vui, anh cười mở đầu câu chuyện: "Tôi vinh dự được nhận giải thưởng này cùng GS Ngô Bảo Châu, một người mà ai cũng biết đến, còn tôi thì… Tôi nghĩ rằng trên đời này, bất cứ ai làm việc gì có ích đều cần được thừa nhận… Nhưng dù sao thì tôi sẽ tiếp tục nỗ lực với công việc đang làm".

Kể về cuộc hành trình mang tên KOTO, anh không bao giờ nghĩ rằng chuyến đi về Việt Nam năm 1996, sau 22 năm sống xa quê, lại tạo ra bước ngoặt cuộc đời. "Đó là chuyến về Sài Gòn năm 1996, tôi gặp 4 em nhỏ ở công viên quận 1, dẫn các em đi ăn phở và nghe các em tâm sự. Từ đó ý tưởng nảy sinh. Tôi biết bản thân phải làm điều gì đó để các em có cuộc sống tốt hơn", anh nói. Anh thấy nghề dịch vụ ăn uống và du lịch phát triển nhất lúc bấy giờ và đó là nghề mà anh có thể truyền đạt trong thời gian ngắn nhất cho các em.

Năm 1999, Jimmy ra Hà Nội và mở một tiệm bán bưu ảnh, sandwich, sinh tố cho khách nước ngoài. Diện tích cửa hàng vỏn vẹn 20m2. Nhưng Jimmy không muốn những đứa trẻ của mình chỉ dừng lại ở việc biết pha sinh tố. Năm 2000, anh vay mượn gia đình 70.000 đôla Australia. Cùng với sự giúp đỡ của một đầu bếp Australia, nhà hàng KOTO ra đời trên triết lý "Biết một, dạy một". Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn với Jimmy. "Khó khăn đầu tiên là mình chưa hiểu biết về Việt Nam và bất đồng ngôn ngữ. Đây là một lĩnh vực mới mẻ và gây nghi ngờ cả từ phía trẻ, phía khách, phía chính phủ.

Mong có nhiều nhà hảo tâm

Jimmy Phạm đang giúp 500 trẻ em. Với anh, mỗi em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 40% trong số các em không có cha mẹ và một số là trẻ đã từng vi phạm pháp luật, bị bán qua biên giới làm nghề mại dâm… Đến với KOTO, cùng với chương trình đào tạo kéo dài 24 tháng, nội dung chính là dịch vụ tiền sảnh và bếp, các em còn được đào tạo tiếng Anh và học kỹ năng sống. Trong suốt khóa học hoàn toàn miễn phí này, học viên được cung cấp chỗ ở, ăn uống, chăm sóc sức khỏe. KOTO còn có một nhà hàng tại số 59 Văn Miếu, Hà Nội, nơi để các học viên có thể thực tập và tạo nguồn thu hỗ trợ thêm cho chương trình. KOTO cũng đã mở một trung tâm đào tạo nghề ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 1-2010 và một nhà hàng sắp được khai trương trong dịp hè này.

Jimmy đã trải qua quá trình lao động cống hiến không mệt mỏi. Anh cho biết: "Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi là một trong số ít người Việt Nam được nhận giải thưởng này. Đây là nguồn khích lệ lớn cho những gì chúng tôi đang làm tại KOTO, cũng như nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vì cộng đồng trong việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vươn lên, bắt đầu một cuộc sống đàng hoàng, tốt đẹp".

Đình Hiệp