Những Samurai thời hiện đại

Thế giới - Ngày đăng : 07:56, 20/03/2011

(HNM) - Đất nước Nhật Bản không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thanh nhã của những cánh hoa Anh đào, núi Phú Sĩ, hay vẻ đẹp của Kimono truyền thống… mà còn được biết đến bởi tinh thần võ sĩ đạo Samurai phổ biến đến nỗi, cứ nói đến Samurai là người ta hiểu ngay đó là Nhật Bản. Tinh thần ấy một lần nữa lại hiện rõ trong cuộc khủng hoảng kép mà người Nhật Bản đang phải trải qua.


Thông tin cá nhân về “Fukushima 50” đến nay vẫn là một bí ẩn như sứ mệnh của họ.

Giữa lúc dư luận quốc tế lo ngại nguy cơ nhiễm phóng xạ từ Nhà máy điện Fukushima số 1 của Nhật Bản, câu chuyện về 180 người vừa công nhân của nhà máy và lính cứu hỏa đang dũng cảm ở lại để làm mát các lò phản ứng đang khiến cả thế giới khâm phục.

Sự kiện cảm động đang được các hãng thông tấn quốc tế đăng tải trong những giờ qua là dòng tâm sự của một cô gái có cha đang làm nhiệm vụ "cảm tử". Cô gái viết trên trang mạng xã hội: "Cha tôi đã trở lại nhà máy và tôi chưa bao giờ thấy mẹ khóc nhiều đến thế. Mọi người vẫn đang chiến đấu, hy sinh bản thân mình để bảo vệ chúng ta. Cầu mong cha trở về bình an".

Người cha dũng cảm đó đến từ tỉnh Shimane, 59 tuổi, đã làm việc tại Nhà máy điện Fukushima số 1 hơn 40 năm và 6 tháng nữa là sẽ về hưu. Ông đã quyết định ở lại nhà máy để cùng các đồng nghiệp chống lại thảm họa hạt nhân cận kề. Trước khi làm nhiệm vụ tối quan trọng này, ông nói với con gái: "Tạm biệt con, cha đi thay đổi tương lai đây. Sứ mệnh đang chờ cha". Những dòng tin nhắn này ngay lập tức đã lay động hàng triệu con tim trên toàn thế giới và những người nhận nhiệm vụ "cảm tử" được người dân Nhật xem là Samurai của thời hiện đại. Họ còn được gọi với cái tên "Fukushima 50" (50 người ở Fukushima) và trở thành niềm hy vọng duy nhất của Nhật Bản - như Thủ tướng Naoto Kan khẳng định - để tránh một thảm họa nguyên tử như Chernobyl ở Ukraina năm 1986.

Nhiệm vụ của họ là chia thành nhóm nhỏ, luân phiên nhau, ra vào khu vực nguy hiểm, mỗi ca chỉ kéo dài khoảng 10 đến 15 phút để hạn chế nhiễm phóng xạ. Các "cảm tử quân" làm việc trong bóng tối dày đặc, mặc đồ bảo hộ và phải thở bằng bình oxy. Nguy cơ nhiễm phóng xạ là rất cao.

Tinh thần Samurai (võ sĩ đạo) là nét chủ đạo trong đời sống văn hóa xã hội và lịch sử của đất nước Nhật Bản. Theo sử sách Nhật Bản, Samurai khởi nguồn từ thời Edo (đầu thế kỷ XVII) và ai muốn trở thành Samurai phải hội đủ ba yếu tố: trung thành - can đảm - danh dự. Để gìn giữ các nguyên tắc này một cách tuyệt đối, các Samurai phải qua thời gian thử thách khắc nghiệt để có thể đương đầu với kẻ thù trong mọi hoàn cảnh. Hơn lúc nào hết, cuộc khủng hoảng hạt nhân đang diễn ra là một thử thách như vậy.

Tư tưởng Phật giáo từ nhiều thế kỷ trước, nhất là tinh thần an nhiên của Phật giáo Thiền tông vốn chuộng sự dung dị và tĩnh lặng cũng ảnh hưởng mạnh đến xã hội Nhật Bản hiện nay. Sự an nhiên tạo cho các Samurai thái độ bình thản đến kinh ngạc trước mọi nguy biến tột cùng. Phương châm đơn giản hóa giúp Samurai nhìn nhận sự sống chết cũng chỉ như một cơn gió thoảng, tựa như đời sống của loài hoa Anh đào - loài hoa vào độ này lại nở rộ để tạo nên vẻ rực rỡ có một không hai trên thế giới ở đất nước Mặt trời mọc.

Tinh thần Samurai không chỉ được thể hiện ở "Fukushima 50" mà còn rõ ràng ở toàn dân Nhật. Giữa cảnh hoang tàn và đầy nguy hiểm, dù tính mạng bị đe dọa thường trực bởi dư chấn động đất có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng người Nhật, cũng như "Fukushima 50" của họ vẫn bình tĩnh tìm kiếm người thân và kiên nhẫn chờ đến lượt mua hàng... chứ quyết không chen lấn xô đẩy hoặc cướp bóc để giành sự sống cho riêng mình. Hình ảnh nhiều gia đình sống chung tại những ngôi chùa ở thành phố Sendai hay những thành phố lân cận không còn là điều mới lạ. Tinh thần Samurai vụt xuất hiện đúng vào cơn nguy khốn đã tiếp sức cho người dân nước này đứng vững. Đây là điềm báo người Nhật sẽ chiến thắng mọi hoàn cảnh, cho dù đó là tai ương ghê gớm nhất.

Tuấn Minh