Bảo tồn đâu chỉ nói suông

Xã hội - Ngày đăng : 16:13, 19/03/2011

(HNMO) - “Lắng nghe những giai âm truyền thống, quý vị đang góp phần gìn giữ tinh hoa âm nhạc Việt” - Đó là lời đề tựa trên đĩa CD “Ca trù - Singing house” vừa ra mắt công chúng vào sáng 19/3 tại 28 Hàng Buồm của ca nương Phạm Thị Huệ cùng người thầy, nghệ nhân đàn đáy hàng đầu Việt Nam - Nguyễn Phú Đẹ.

Đĩa nhạc gồm 6 bài: Thét nhạc, Gửi thư (thơ cổ), Giai nhân nan tái đắc, Phận hồng nhan và Tràng An hoài cổ (Cao Bá Quát), Chữ Nhàn (Nguyễn Công Trứ). Đó là công sức, thành quả miệt mài lao động trong gần 2 năm của hai thầy trò ca nương Phạm Thị Huệ và nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ.

Ăn chay để làm đĩa

Ý tưởng về đĩa nhạc “Ca trù - Singing house” được Phạm Thị Huệ ấp ủ từ 5 năm trước, thời điểm chị được nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và danh cầm Nguyễn Phú Đẹ đồng ý cho làm lễ Mở xiêm áo (lễ tốt nghiệp dành cho ca nương đầu tiên được khôi phục trở lại của làng ca trù) để trở thành đào đàn chuyên nghiệp, tháng 5/2006. Tuy nhiên, mãi đến 3 năm sau, chị mới có đủ quyết tâm và thời gian để cùng với người thầy của mình tiến hành những bước đầu tiên của quá trình làm đĩa.

CD "Ca trù - Singing house" là thành quả lao động miệt mài trong 2 năm của hai thầy trò.

Tháng 5/2009, ca nương Nguyễn Thị Huệ và nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ bắt tay vào thu âm những giai điệu đầu tiên của CD. “Do thầy Nguyễn Phú Đẹ đã cao tuổi, lại ở Tứ Kỳ, Hải Dương nên việc đi lại thu đĩa rất khó khăn. Hai thầy trò phải mất tới 1 năm để nắm bắt được sự khác biệt giữa kỹ năng trong phòng thu và trình diễn sân khấu, mới có được những bản thu ưng ý”, ca nương Phạm Thị Huệ chia sẻ.

Ca trù là loại hình nghệ thuật tương tác trực tiếp tới khán giả, nó gắn kết với người nghe thông qua tiếng đàn và giọng hát của ca nương, chạm tới ngóc ngách tâm hồn của họ. Việc thu âm ca trù trong phòng thu ở một góc độ nào đó, sẽ làm giảm đi mối liên hệ này. Ngoài những vấn đề liên quan đến chất lượng âm thanh, máy móc, người nghệ sĩ còn bị áp lực về câu chữ, tiếng đàn. Ca trù là hình thức biểu diễn ngẫu hứng tại chỗ. Một bài hát khi thu âm buộc phải liền mạch, không được dừng lại bởi nó phụ thuộc vào dòng xúc cảm của người ca nương. Dù khó nhưng đây vẫn là con đường hiệu quả nhất để đưa tiếng hát, tiếng đàn ca trù đến với công chúng thưởng thức.

Có thể coi “Ca trù - Singing house” là thành quả tài năng và vật chất mà Phạm Thị Huệ đã chắt chiu trong gần 6 năm gắn bó với nghệ thuật ca trù. Chị nói vui: “Phải nhịn ăn để có tiền làm đĩa đấy. Ăn chay vừa tiết kiệm mà lại khỏe ra”.

Trăn trở “sự sống”

Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ vẫn tỏ ra vô cùng hào hứng khi nhắc tới bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc: “Cái gọi là “đạt” trong ca trù rất mơ hồ và dường như là không biên giới. Ca trù vốn được coi là nghệ thuật bác học đòi hỏi một nghề chơi công phu. Để thành thục, có được những tiếng đàn thật ngon, chín nục thì phải học đến già, ngay cả tôi cũng vậy”, nghệ nhân cho biết.

Hai thầy trò ca nương Phạm Thị Huệ và nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ tại buổi ra mắt CD.

Sinh năm 1923 tại Tứ Kỳ, Hải Dương, trong một gia đình có cả cha và mẹ đều là ca nương, kép đàn nổi tiếng trong vùng chính vì vậy, từ nhỏ, ca trù đã ngấm vào tận máu thịt của ông.

Hiện nay, lối đàn “hàng huê” độc đáo của người nghệ nhân 88 tuổi này vẫn vững vàng, lay động như xưa, nhưng cùng với thời gian và những biến đổi xã hội, ngón đàn độc chiêu ấy nói riêng và nghệ thuật ca trù nói chung đang có nguy cơ dần mai một.

Nghệ nhân chia sẻ: “Tôi dạy học trò và truyền đạt hết tất cả những gì mình biết cho chúng nhưng trong số hơn 60 người cũng chỉ chọn ra được có 2 học trò mới tạm gọi là ổn. Bây giờ các cháu trẻ tuổi cũng có học, nhưng chỉ 1, 2 tháng thì không đi đến đâu. Muốn ra ngọn ra ngành thì phải 6, 7 năm. Mấy cháu có đủ kiên nhẫn và đam mê. Tôi chỉ lo là làm sao để giữ được cái tinh hoa, nghệ thuật truyền thống của cha ông đây!”.

Đã 2 năm kể từ khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhưng cho đến nay, sự công nhận đó vẫn chỉ dừng lại ở … danh hiệu giấy.

60 năm gắn bó với ca trù, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cũng chỉ sống bằng những tấm lòng hảo tâm, sự giúp đỡ từ chính học trò mình, và bằng tình yêu nghề đơn thuần!

Việc cho ra mắt CD “Ca trù - Singing house” là minh chứng cho trái tim đầy nhiệt huyết ấy. Tự bỏ tiền làm đĩa, không quan tâm đến doanh thu, tất cả những gì ông muốn là góp chút sức nhỏ bé để lưu lại tiếng hát, tiếng đàn cho đời sau, để khích lệ động viên tinh thần làm nghề của các ca nương, kép đàn và cũng để ca trù được sống và ngày càng sống khỏe.

Nhưng thiết nghĩ, mục tiêu “sống và sống khỏe” ấy không chỉ một vài cá nhân, tổ chức có thể thực hiện, cũng không nằm ở sách vở, lý thuyết… mà nằm ở chính xã hội với sự đồng thuận và hành động cụ thể, thiết thực. Ví như nuôi trẻ nhỏ: “Sinh nó ra, muốn nó phát triển thì phải nuôi nấng, chăm sóc, mà nuôi bằng gì, chính là bằng tiền, bằng vật chất. Tình yêu nói suông thì chẳng bao giờ đủ”.

Đào Vân