Siết chặt theo lộ trình phù hợp
Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 19/03/2011
Người dân mua vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Đàm Duy |
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh vàng bạc đá quý - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nên lấy ý kiến rộng rãi để Nghị định có tính khả thi cao
Khái niệm thị trường vàng tự do ở đây được hiểu là thị trường chợ đen hay là các cửa hàng kinh doanh vàng tư nhân, ngoài hệ thống ngân hàng. Quản lý thị trường vàng tự do không đồng nghĩa với việc hạn chế quyền tự do giao dịch, mua bán vàng của người dân mà là xây dựng một thị trường vàng có tổ chức, từ khâu xuất nhập khẩu đến phân phối. Nhà nước sẽ chỉ định một đầu mối xuất nhập khẩu vàng, đơn vị này sẽ mua/bán vàng với những đơn vị có chức năng kinh doanh vàng miếng để bảo đảm giá trong nước sát giá thế giới. Nếu việc ban hành Nghị định góp phần quản lý chặt thị trường, hạn chế nạn đầu cơ, bảo đảm quyền lợi cho người dân và các tổ chức tham gia giao dịch, thì là rất cần thiết. Theo tôi, Nghị định cần phải đạt được mục tiêu "kép", đó là vừa quản lý, vừa mở ra cánh cửa để thúc đẩy lưu thông vàng, tạo một kênh dẫn về đầu tư vốn cho nền kinh tế. Do vậy, để mang tính khả thi cao, Nghị định này cần được lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận.
Bà N.P.H - chủ cửa hàng vàng tư nhân ở quận Hà Đông: Điều quan trọng là quản lý như thế nào?
Nếu bị cấm kinh doanh vàng miếng, các cửa hàng vàng bạc còn trữ lượng vàng miếng chưa bán hết thường "vo" lại, chuyển thành vàng trang sức để bán cho khách. Trước đây, khách hàng đến mua vàng miếng tại các cửa hàng vàng tư nhân rất đơn giản. Nhưng hiện nay, nếu muốn mua vàng để tích trữ, người mua sẽ phải trả thêm tiền công chế tác thành vàng trang sức. Nhiều trường hợp khách hàng đến ngân hàng nhà nước mua USD, nhưng chờ nhiều ngày vẫn chưa mua được, sợ tiền mất giá nên lại quay ra doanh nghiệp vàng tư nhân mua vàng trang sức để tích trữ. Tôi nghĩ, vàng miếng cũng là một loại hàng hóa, Nhà nước cấm mua bán vàng miếng ở thị trường tự do thì sẽ xảy ra hiện tượng mua, bán lậu hoặc biến tướng từ vàng miếng sang vàng trang sức. Do vậy, việc cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do tưởng rất đơn giản nhưng quản lý như thế nào để không ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng, đầu tư lại là điều cơ quan chức năng cần cân nhắc.
Bà Phan Như Thảo (phường Phúc Đồng, quận Long Biên): Cần có lộ trình phù hợp
Ngay sau khi có chủ trương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng và USD trên thị trường tự do, giá vàng và USD liên tục giảm. Phải chăng sự điều hành đúng hướng của Nhà nước đã góp phần đưa giá vàng và USD trở về đúng giá trị thực của mình? Trên thực tế, tình trạng giá vàng "hành" giá USD đã diễn ra nhiều năm. Do thói quen tích trữ, trao đổi vàng của người dân, mỗi khi nhu cầu vàng tăng cao, giới buôn lậu sẽ gom USD để nhập lậu vàng. Tranh thủ cơ hội, giới buôn USD cũng gom hàng, đẩy giá lên cao. Đã thành quy luật, giá đồng USD trên thị trường tự do chỉ bớt "nóng" khi giá vàng trong nước ngang với giá thế giới, và ngược lại. Vì vậy, tôi cho rằng, việc siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do là chủ trương đúng đắn, dần thay đổi thói quen của người dân, huy động lượng vốn lớn nhàn rỗi để làm lợi cho xã hội. Song muốn thực hiện có hiệu quả, chúng ta cần cân nhắc lộ trình và thời điểm bắt đầu thực hiện để cả người dân và giới kinh doanh vàng "làm quen" với chủ trương này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ): Áp dụng đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế, phát triển bền vững
Theo tôi, vàng không phải là nguyên nhân làm yếu kém nền kinh tế và gia tăng lạm phát. Người dân chỉ tích trữ vàng trong trường hợp đồng nội tệ không ổn định, lãi suất ngân hàng thiếu hẫp dẫn, các kênh đầu tư khác không an toàn... Một khi chưa tìm được nơi tin tưởng để đầu tư hoặc gửi gắm đồng tiền, người dân sẽ vẫn chọn cách mua vàng để tích trữ. Do đó việc thắt chặt quản lý kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do phải được áp dụng với các biện pháp đồng bộ ổn định nền kinh tế và phát triển bền vững.