Chưa tìm ra “chìa khóa”?

Xã hội - Ngày đăng : 06:26, 19/03/2011

(HNM) - Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã có hiệu lực từ hơn 3 năm qua, nhưng số vụ, nạn nhân BLGĐ vẫn chưa có xu hướng giảm. Rõ ràng, để chấm dứt BLGĐ, cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các ngành, các cấp và chính những nạn nhân của nạn BLGĐ.

Nạn nhân cam chịu!
Sau 30 năm lập gia đình với một công nhân bốc vác, chị T. tự tay gây dựng cơ ngơi: vài ngôi nhà mặt phố ở Hà Nội, ô tô, nhiều tài sản giá trị và một tài khoản ngân hàng có số tiền gửi lớn. Cuộc sống gia đình thường có mâu thuẫn do chồng rượu chè, cờ bạc, vô trách nhiệm thường đánh chửi vợ, nhưng chị T. cố gắng chịu đựng vì sợ con hư, vì cần có người chồng như mọi gia đình khác. Khi phát hiện mình bị bệnh tim, nếu không phẫu thuật sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí mất mạng, chị quyết định phẫu thuật thì chồng phản đối và không đoái hoài đến khi chị nằm trên bàn mổ. Mặc kệ chồng lăng nhăng, chỉ cần yên thân nuôi con, chị chia cho anh ta nhà, tiền, ôtô. Sau khi chia tài sản, anh ta đòi ly dị, liên tục đánh chửi vợ, con. Nhờ sự can thiệp mạnh tay của chính quyền, công an, áp lực của dư luận, người chồng rồi cũng hiểu là anh ta phạm luật, có thể bị xử lý. Nhưng chị T. thì đau xót, tiếc nuối, bởi hiểu rằng mình có quyền được chính quyền giúp đỡ khi bị BLGĐ thì đã quá muộn.

Khác với trường hợp trên, Phòng tham vấn (Trung tâm Phụ nữ và phát triển) tiếp nhận một cụ bà 75 tuổi quê Thái Bình, lết trên đôi chân tím bầm vào cầu cứu. Cụ là nạn nhân đáng thương của người chồng và những đứa con bất hiếu. Gần 60 năm chung sống với chồng, cụ không nhớ nổi mình đã bị chửi bới, đánh đập bao nhiêu lần, nhiều khi chỉ vì "thấy thích thì ông ấy đánh"… Mâu thuẫn lên đỉnh điểm khi 6 người con của cụ tranh giành phần đất của gia đình. Khi cụ đứng ra dàn hòa, hai người con cho rằng cụ thiên vị, liền đánh chửi mẹ, đuổi đi. Người con gái cho mẹ ở nhờ liền bị các anh đến gây sự. Quá đau khổ, cụ bỏ ra Hà Nội lang thang, ăn xin, tối ngủ nhờ dưới mái hiên hàng phố. Thương tình cảnh cụ, người dân trên phố đã mách cụ tới "Ngôi nhà bình yên" xin cứu giúp.

Đây chỉ là hai nạn nhân điển hình của nạn BLGĐ. Theo Tổng cục Thống kê, 58% phụ nữ từng bị BLGĐ, hoặc bạo lực tình dục, tinh thần. Ngay trong "tổ ấm" của mình, họ bị chà đạp nhân phẩm, danh dự, giày vò thể xác, tra tấn tinh thần. Trong thực tế, tại cộng đồng làng xã tình trạng nhiều phụ nữ bị BLGĐ mà không biết mình có quyền được bảo vệ, có quyền được sống an toàn, hạnh phúc vẫn còn khá phổ biến.

Thách thức trong thực thi luật
Nhiều kinh nghiệm trong vấn đề BLGĐ, nhà báo Kim Ngân (Đài Truyền hình Việt Nam) tâm sự, trong các chuyến thực tế tại nhiều vùng nông thôn, miền núi, chị đã gặp không ít phụ nữ đã chịu đựng hàng chục năm trời cảnh bị hành hạ như cơm bữa. Rất nhiều phụ nữ cam chịu, vì nghĩ rằng phải nhẫn nhịn mới phù hợp với đạo lý. Họ đâu biết rằng, bản thân họ không an toàn, hạnh phúc, thì con cái họ, gia đình họ không thể hạnh phúc, thành đạt, chu toàn. Nếu người phụ nữ không tự lực vươn lên, biết tự yêu thương, quý trọng bản thân như mình đáng được hưởng, sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được nạn BLGĐ. Sự cam chịu chỉ làm cho vấn đề BLGĐ trở nên trầm trọng hơn. Và rất nhiều người phạm luật mà không hề biết có Luật Phòng chống BLGĐ. Cùng với sự hạn chế của công tác tuyên truyền, điều này đã gây nhiều khó khăn cho thực hiện Luật Bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ.

Bên cạnh đó, ngay trong Luật Phòng chống BLGĐ cũng chưa thực sự phù hợp. Hiện Bộ VH-TT&DL là cơ quan được giao quản lý Nhà nước về phòng chống BLGĐ. Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng điều này không hợp lý. Khi bị BLGĐ, nạn nhân phải gọi ngay cho 113, Công an sở tại để được cứu giúp tính mạng, nếu gọi cho ngành văn hóa để được phân giải thì đã quá muộn. Bên cạnh đó, luật vẫn chưa hoàn thiện. Nếu nạn nhân BLGĐ không có đơn trình báo thì thủ phạm không bị xử lý. Việc nạn nhân chứng minh mình bị BLGĐ rất khó khăn nếu chưa bị thương tích thấy rõ, chưa kể tới việc bị bạo lực tinh thần, tình dục. Bên cạnh đó, luật còn thiếu chế tài khiến nhiều nạn nhân BLGĐ phải chịu thiệt thòi ngay cả khi tòa tuyên họ được bồi thường mà thủ phạm không chịu thực hiện…

Theo bà Phan Thu Hiền, nguyên cố vấn cho Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, Trưởng đại diện LHQ về lĩnh vực gia đình và giới tại Việt Nam: Nước ta dẫn đầu khu vực về tiến bộ trong luật về BLGĐ, bảo đảm quyền cho phụ nữ, trẻ em. Nhưng để luật được áp dụng, thực thi có hiệu quả trong thực tiễn vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi Chính phủ phải nỗ lực. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang soạn thảo khung giám sát hai luật Bình đẳng giới và Phòng chống BLGĐ. Sắp tới đây, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, LHQ sẽ có nhiều chương trình hợp tác và hỗ trợ trong nâng cao nhận thức, thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ…

Nguyễn Linh