Coi trọng cả nông nghiệp và phi nông nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 18/03/2011

(HNM) - Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân ở 11 xã Trung ương chọn xây dựng thí điểm nông thôn mới (NTM) là tiêu chí khó nhất (theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM). Nhiệm vụ đặt ra là phải giúp tất cả các hộ dân trong xã NTM tăng thu nhập, chứ không phải giúp vài hộ hay từng nhóm hộ.


Nhiều mô hình hiệu quả từ xây dựng NTM


Người dân làm thủ tục mua nhà thu nhập thấp tại dự án Kiến Hưng, Hà Đông. Ảnh: B.H


Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Tăng Minh Lộc cho rằng, sau khi đôn đốc, nhắc nhở các xã xây dựng thí điểm NTM đã giảm tình trạng chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng, tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp. Nổi bật là xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) đã tổ chức sản xuất được 90ha lúa chất lượng cao, hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần; xây dựng 3 mô hình mới gồm 8ha hoa, 15ha cây ăn quả, 10ha rau an toàn. Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Đức Học cho biết, các dự án khu chăn nuôi tập trung 15,6ha, rau an toàn 79,5ha, khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề… trên địa bàn xã chắc chắn sẽ nâng cao thu nhập cho nông dân. Với xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), xã đã mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh, chăn nuôi bò sữa… Phó Chủ tịch UBND xã Phan Thị Cẩm Nhung cho biết, ngoài 2 HTX và 8 tổ hợp tác đã duy trì quy trình sản xuất bài bản, xã đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình thâm canh hiệu quả, tạo thêm việc làm cho 511 lao động và nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân lên 177 triệu đồng/ha/năm 2010, tăng 25% thu nhập so với năm trước đó. Năm 2010, Tân Thông Hội đã mở 10 lớp tập huấn cho hàng trăm lượt lao động về sản xuất rau an toàn, hoa - cây cảnh, lúa chất lượng cao... mở 8 lớp dạy nghề cho 300 lao động, tạo nguồn nhân lực cho 54 doanh nghiệp trên địa bàn.

Với một số xã điều kiện kinh tế khó khăn nhưng với đà được chọn thí điểm xây dựng NTM nên đã có bước tiến đáng kể trong cải thiện đời sống nông dân, như xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên) xây dựng được 6 mô hình (16ha) cây ăn quả từ cải tạo vườn tạp, 10 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, dược liệu; xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) mở rộng được 120ha cây nguyên liệu thuốc lá và cà chua, tăng 50% diện tích và tăng thêm thu nhập khoảng 25%.

Tạo nhiều việc làm mới cho nông dân

Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng băn khoăn, ở một số xã vẫn tồn tại tình trạng sản xuất manh mún, mô hình nhỏ lẻ thuộc hộ hoặc nhóm hộ. Sản phẩm mới chưa tiêu biểu về chất lượng và giá thành, thu nhập của người dân tăng nhưng còn ở mức thấp… Qua khảo sát cho thấy, một số nơi chỉ chú trọng đến phát triển hạ tầng mà thiếu kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất. Hơn nữa vốn đầu tư cho sản xuất mới chỉ chiếm khoảng 12% tổng vốn đã sử dụng ở 11 xã thí điểm. Đối với nguồn vốn tín dụng, từ khi có Nghị quyết 41/NĐ-CP, đến nay ngân hàng có dư nợ 528 tỷ đồng (bình quân 48 tỷ đồng/xã), con số còn nhỏ so với nhu cầu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân là tiêu chí khó đạt nhất theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM. Mục tiêu là giúp tất cả các hộ dân trong xã NTM tăng thu nhập, chứ không phải giúp vài hộ hay từng nhóm hộ. Xây dựng NTM phải coi trọng cả phát triển nông nghiệp lẫn phát triển phi nông nghiệp.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định, mấu chốt giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở 11 xã xây dựng thí điểm NTM là phải tìm cho được lợi thế của xã ấy, từ đó tác động vào để tạo ra thu nhập cao từ thế mạnh đó. Ví dụ như ở xã Hải Đường, huyện Hải Hậu (Nam Định), mô hình VAC gắn với ngành nghề nông thôn rất thành công, giải quyết việc làm cho người nhàn rỗi, đồng thời thu hút một lực lượng lao động lớn từ bên ngoài vào làm việc. Vì vậy cơ sở xây dựng NTM phải tìm ra mấu chốt vấn đề mới tháo gỡ được, nếu chúng ta cứ tiếp tục sản xuất trên từng mảnh đất manh mún của gia đình, cứ làm tự phát thì mô hình NTM không thể thành công.

Hoài Thu