Ít nghiên cứu, chậm ứng dụng

Công nghệ - Ngày đăng : 07:03, 18/03/2011

(HNM) - Có một mâu thuẫn đang tồn tại trong sản xuất nông nghiệp: năng suất càng cao thì sâu bệnh càng nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học được sử dụng ngày một nhiều hơn, gây ô nhiễm và tác động xấu đến sức khỏe con người.


Giải quyết bài toán này, nhiều nước trên thế giới đã đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học (TTSSH) thay thế cho thuốc hóa học. Đáng tiếc rằng, hướng nghiên cứu này ở nước ta hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.


Thói quen dùng thuốc trừ sâu hóa học trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cần được thay thế bằng thuốc sinh học.   Ảnh: Mạnh Tuấn

Giải pháp cho nền nông nghiệp bền vững

TS. Dương Hoa Xô (Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TP Hồ Chí Minh) cho biết, nền nông nghiệp nước ta hiện đang đi vào mức độ thâm canh cao với việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học và hàng loạt các biện pháp khác nhằm mục đích khai thác, chạy theo năng suất và sản lượng. Lối canh tác trên đã làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không thể dự báo trước.

Trong khi đó, ưu điểm của TTSSH là tạo ra các sản phẩm sạch cho người dùng, không làm mất đi quần thể thiên địch có ích trong tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và không cần phun nhiều lần mà vẫn duy trì được hiệu quả. Tuy nhiên, TTSSH lại hạn chế bởi hiệu quả chưa thật cao, khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận thì khó đạt kết quả tốt. TTSSH chịu những tác động của nhiều yếu tố môi trường như ánh sáng, lượng nước tưới, nước mưa, nhiệt độ... và nhất là giá thành còn cao.

Theo Viện BVTV (Bộ NN&PTNT), những năm gần đây, khối lượng thuốc trừ sâu sử dụng không ngừng tăng lên và hiện dao động trong khoảng từ 35.000 tấn đến 42.000 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm thuốc trừ sâu vào khoảng 500 triệu USD/năm, trong đó chủ yếu là hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam đã vấp phải những "phản ứng không tốt" trên thị trường quốc tế, do tình trạng dư lượng hóa chất BVTV. Việc chè, hồ tiêu... không ít lần bị khách hàng châu Âu phàn nàn cho thấy điều đó. Con đường hướng đến nền sản xuất sạch, trong đó ứng dụng rộng rãi TTSSH sẽ là xu hướng chủ đạo của nông nghiệp nước ta và thế giới những năm tới.

Theo Viện CNSH, nguyên liệu để tạo ra TTSSH khá đa dạng. Ngoài Bt (viết tắt của Bacillu thuringiensis - loài vi khuẩn có khả năng tổng hợp protein gây tê liệt ấu trùng một số loài côn trùng gây hại qua đường tiêu hóa, làm chúng chết sau một vài ngày) được coi là nguồn nguyên liệu truyền thống, các sản phẩm khác có nguồn gốc từ thiên nhiên cũng được thử nghiệm. Tại Bangladesh, lợi dụng tập tính ghét tỏi của côn trùng, một nhà khoa học đã chế biến thành công TTSSH. Ngoài ra, lợi dụng việc một số loài sinh vật trong tự nhiên có khả năng ký sinh trên sâu hại, gây bệnh và giết chúng, các nhà khoa học đã chế ra các loại TTSSH. Hướng đi này được coi là có nhiều triển vọng bởi mang nhiều ưu thế như: khả năng diệt sâu nhanh, an toàn cho người và không gây hiện tượng kháng thuốc ở sâu hại.

Lãng phí tiềm năng

TTSSH được đưa vào nước ta từ đầu những năm 1970 với số lượng rất ít. Đến năm 2000, trong danh mục các loại thuốc BVTV chỉ có 2 sản phẩm TTSSH được công nhận. Năm 2005, đã có 57 sản phẩm các loại và hiện nay có khoảng hơn 500 loại thuốc trừ sâu và sản phẩm thuốc trừ sâu bệnh được lưu hành. TTSSH góp phần không nhỏ vào công tác phòng trừ dịch hại, thay thế và hạn chế dần nguy cơ độc hại do sử dụng thuốc nguồn gốc hóa học. Tuy nhiên, những hiểu biết cũng như khả năng nghiên cứu, ứng dụng TTSSH trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

TS. Dương Hoa Xô cho biết thêm, nhìn chung việc nghiên cứu ứng dụng TTSSH ở Việt Nam chủ yếu ở trong phòng thí nghiệm và quy mô sản xuất thử nên giá thành còn cao. Ví dụ, giá thành sản xuất số lượng TTSSH công nghệ tuyến trùng (EPN) dùng cho 1ha ở Việt Nam là 100 USD, trong khi đó ở Mỹ, Nhật Bản, Đức, Canada chỉ khoảng 50 USD. Ngoài ra, khả năng bảo quản không cao nên dẫn tới khó khăn trong việc lưu thông, phân phối và sử dụng...

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, trong nghiên cứu triển khai, Việt Nam còn thiếu điều kiện, phương tiện để nghiên cứu và ít chuyên gia trong lĩnh vực này. Các cơ sở thực nghiệm về CNSH còn nhỏ hẹp, số lượng ít ỏi nên hạn chế việc sản xuất và sử dụng TTSSH. Đáng lưu ý, trong phân phối sản phẩm, người ta thường quá quan tâm quảng bá cho các các loại thuốc sâu hóa học và các chế phẩm TTSSH không còn đất chen chân. Khâu tuyên truyền và phố biến kiến thức chưa tốt nên người nông dân chỉ muốn dùng loại thuốc trừ sâu có hiệu quả tức thời, sử dụng thuận tiện nên ít quan tâm đến TTSSH.

Điểm sáng trong việc nghiên cứu, ứng dụng TTSSH ở nước ta gần đây chính là việc thực hiện thành công đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu sản xuất sử dụng TTSSH đa chức năng cho một số loại cây trồng bằng kỹ thuật CNSH" của Viện BVTV. Các tác giả đã hoàn thành 13 quy trình công nghệ và xây dựng được 8 mô hình thí điểm sản xuất các chế phẩm sinh học BVTV. Đề tài cũng đã đưa vào áp dụng thực tế trên gần 300ha sản xuất ở nhiều tỉnh... Nhưng rõ ràng, một điểm sáng là chưa đủ đối với một quốc gia dựa nhiều vào sản xuất nông nghiệp như nước ta.

Văn Giang