Nhật Bản vẫn căng sức xử lý sự cố hạt nhân

Thế giới - Ngày đăng : 07:00, 18/03/2011

(HNM) - Sau khi các biện pháp bơm nước từ bên trong thất bại, Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện việc đổ nước làm mát các lò phản ứng hạt nhân từ bên ngoài nhằm ngăn các thanh nhiên liệu bị nóng chảy.

Người dân Nhật Bản đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn.


Sáng 17-3, 4 máy bay CH-47 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã trút nước xuống lò phản ứng số 3 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 tổng cộng 4 lần. Mỗi máy bay CH-47 có thể trút khoảng 7,5 tấn nước xuống lò phản ứng. Tuy nhiên, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết lượng phóng xạ đo được tại khu vực gần Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 vẫn không thay đổi nhiều sau khi lò phản ứng số 3 được làm mát từ trên không, thậm chí áp suất tại lò phản ứng số 3 đã tăng trở lại. TEPCO sẽ triển khai lưới điện tạm thời nhằm hỗ trợ hoạt động bơm nước vào các lò phản ứng và các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Cảnh sát Tokyo cũng có kế hoạch sử dụng xe tải vòi rồng nhằm làm mát bể chứa thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 4 để hạn chế thảm họa tại nhà máy này. Chính phủ Nhật Bản cho biết lực lượng quân sự Mỹ sẽ sử dụng máy bay do thám không người lái Global Hawk để chụp hình bên trong khu vực lò phản ứng số 4. Trong khi đó, Chánh Văn phòng nội các Yukio Edano cho biết sẽ giám sát chặt chẽ lò phản ứng số 5 và số 6 để có các biện pháp đối phó phù hợp và kịp thời.

Ngày 16-3, tại Vienna (Áo), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản. Trước đó, đánh giá về nguy cơ của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 tại Nhật Bản, Tổng Giám đốc IAEA, Yukiya Amano cho rằng hiện tình trạng rò rỉ phóng xạ tại các lò phản ứng thuộc Nhà máy Điện Fukushima là đáng lo ngại. Cho đến nay, IAEA đã phái hai nhóm chuyên gia về an toàn hạt nhân và phòng chống phóng xạ đến hỗ trợ Nhật Bản xử lý các tình huống có thể xảy ra. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16-3 ra thông báo cho biết chưa có dấu hiệu ảnh hưởng của phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố tại Nhật Bản, đồng thời kêu gọi mọi người nên bình tĩnh và không nên đồn thổi thêm thông tin. Các nước châu Á cùng ngày lên tiếng cảnh báo người dân trước những tin đồn về tình hình lây nhiễm cũng như mây phóng xạ từ Nhật Bản. Các nhà chức trách khuyến cáo người dân không nên hoang mang trước những tin nhắn không có cơ sở đang phát tán trên mạng và lan ra nhiều nước. Tuy nhiên, ngày 17-3, Hàn Quốc đã bắt đầu kiểm tra phóng xạ đối với tất cả những người đến từ Nhật Bản như một phần trong nỗ lực nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương. Ngày 16-3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan bày tỏ tin tưởng có thể cứu được hơn 26.000 người. Theo cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số người thiệt mạng đã lên tới 5.429 người, trong khi vẫn còn 9.594 người mất tích. Tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng như Iwate, Miyagi, Fukushima, cảnh sát địa phương đã bắt đầu thống kê tên, tuổi, địa chỉ các thi thể được tìm thấy. Theo ước tính, khoảng 420.000 người hiện đang ở trong hơn 2.200 lều tạm tại 8 tỉnh. Cơ quan kiểm soát hỏa hoạn và thảm họa cho biết khoảng 100.300 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại một phần. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 28 tổ chức quốc tế đề xuất hỗ trợ Nhật Bản khắc phục thảm họa vừa qua.

Trung tâm Hỗ trợ đa ngôn ngữ về thảm họa động đất vùng Đông bắc Tohoku - một tổ chức phi lợi nhuận ở Nhật Bản - vừa ra mắt trang web nhằm cung cấp thông tin đa ngôn ngữ và thu thập thông tin về những công dân nước ngoài đang ở các khu vực bị thiệt hại nặng nề bởi thảm họa vừa qua ở Nhật Bản bằng 9 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt tại địa chỉ http://eqinfojp.net.n

Minh Nhật