Hai thị trường chứng khoán tiếp tục trái chiều

Tài chính - Ngày đăng : 12:19, 17/03/2011

(HNMO)- Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3, thị trường chứng khoán tập trung Tp.HCM (Hose) và Hà Nội (HNX) tiếp tục diễn biến trái chiều khi Vn-Index giảm thêm hơn 3 điểm còn HNX-Index tăng nhẹ 0,4 điểm.


Hôm qua, thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm, trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất đi những gì có được từ đầu năm nay. Thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật xảy ra khiến nhà đầu tư lo lắng, không chắc chắn điều gì sẽ đến sau thảm họa này nên dần họ loại bỏ tài sản rủi ro là chứng khoán. Tại thị trường Mỹ, đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 242,12 điểm (-2,04%) xuống 11.613,30 điểm; chỉ số S&P 500 mất 24,99 điểm (-1,95%) còn 1.256,88 điểm; chỉ số Nasdaq hạ 50,51 điểm (-1,89%) xuống 2.616,82 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh sụt 97,05 điểm (-1,7%) xuống 5.598,23 điểm; chỉ số DAX của Đức mất 133,82 điểm (-2,01%), còn 6.513,84 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2,23% xuống 3.696,56 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật cũng mất điểm.

Ảnh minh họa


Trở lại thị trường trong nước hôm nay, tại Hose, ở cả 3 đợt khớp lệnh, Vn-Index đều giảm điểm. Cụ thể, đợt 1 chỉ số chung mất 2,1 điểm (-0,45%), xuống mức 461,48 điểm; đợt khớp lệnh liên tục Vn-Index mất 5,11 điểm (-1,1%), còn 458,47 điểm. Đóng cửa thị trường, Vn-Index dừng ở mức 460,53 điểm, giảm 3,05 điểm, tương đương 0,66%.

Lực cầu bắt đáy tăng lên trong phiên hôm nay, tuy nhiên, sức mua và bán khá cân bằng. Cổ phiếu tăng và giảm giá không quá chênh lệch. Thị trường ghi nhận 103 mã tăng giá, 106 mã giảm giá, 77 mã đứng giá. Nhóm cổ phiếu chủ chốt có sự giằng co khá mạnh. Nếu như CTG, DXG tăng kịch trần lần lượt 1.400 đồng/cổ phiếu và 800 đồng/cổ phiếu; EIB, HAG, HPG, OGC, PVF, SAM, SSI, STB, VIC tăng 100-200 đồng/cổ phiếu thì DPM giảm 800 đồng/cổ phiếu, FPT mất 500 đồng/cổ phiếu, ITA, REE và KDC cùng hạ 100 đồng/cổ phiếu, PPC giảm 300 đồng/cổ phiếu, SJS và VCB đều mất 200 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, BVH và MSN, hai mã có mức vốn hóa lớn bậc nhất thị trường, giảm hết biên độ cho phép, cùng hạ 4.000 đồng, xuống còn lần lượt 78.000 đồng/cổ phiếu và 80.500 đồng/cổ phiếu. Chính sự giảm sàn của hai mã này đã tác động lớn đến sự đi xuống của thị trường.

Nhà đầu tư tiếp tục không mặn mà lắm với thị trường trong bối cảnh có nhiều thông tin bất lợi. Chính vì vậy, tính thanh khoản vẫn ở mức thấp với 3,580 triệu đơn vị được sang tay, tương ứng giá trị 812,572 tỷ đồng. CTG chiếm tới hơn 13% khối lượng giao dịch toàn thị trường, tương đương hơn 4 triệu cổ phiếu, vượt xa vị trí thứ 2 là SSI (gần 1,9 triệu cổ phiếu). Các vị trí tiếp theo thuộc về STB (gần 1,7 triệu cổ phiếu), HAG (trên 1 triệu cổ phiếu). Các mã còn lại đều đạt khối lượng dưới 1 triệu cổ phiếu.

Như vậy, thanh khoản của thị trường chưa có chuyển biến. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường vẫn sẽ chưa có xu hướng tăng bền vững.

Tiếp tục trái ngược với Hose, tại HNX, HNX-Index tăng thêm 0,4 điểm (+0,43%), lên 92,38 điểm. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên trước, đạt 32,650 triệu cổ phiếu, giá trị là 520,567 tỷ đồng.

Trên thị trường dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, UPCoM-Index đóng cửa phiên buổi sáng ở mức 38,23 điểm, giảm 0,12 điểm (-0,31%). Giao dịch vẫn tiếp tục ảm đạm. Toàn thị trường có 105.700 cổ phiếu được giao dịch thành công, tương ứng giá trị 873,130 triệu đồng.

T.Hương