Bài 1: Những điểm nóng
Giới trẻ - Ngày đăng : 08:33, 17/03/2011
Bài 1: Những điểm nóng
Con đường nhỏ, ngoằn ngoèo từ Quốc lộ 6 vào xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) đẹp hoang sơ. Hang Kia lẫn trong sương mờ, tuy đẹp nhưng chẳng tạo được cảm giác bình yên bởi trong xã còn có nhiều gia đình buôn bán ma túy, thế nên ít khách lạ dám đặt chân tới xã vùng cao heo hút này. Trước khi chúng tôi vào Hang Kia, Thượng tá Hà Công Cận, Trưởng Công an huyện Mai Châu ân cần dặn: "Vào trong đó, các anh phải hết sức thận trọng. Tội phạm ma túy không trừ ai cả, lạnh lùng và tàn nhẫn lắm".
Trở lại Hang Kia
Câu nói của đồng chí Trưởng Công an huyện khiến chúng tôi nghĩ ngay đến vụ vây bắt tên trùm "hàng trắng" Vàng A Khua hồi tháng 2 năm ngoái. Khua là đối tượng phạm tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, đã bị Công an tỉnh Hòa Bình phát lệnh truy nã đặc biệt từ năm 2006. Ngày 5-2-2010, biết Khua đang có mặt tại nhà, Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Phòng PC17 (nay là PC 47) phối hợp với PC22 và Công an huyện Mai Châu tổ chức lực lượng vây bắt. Phát hiện bị bao vây, Vàng A Khua cố thủ trong nhà. Mặc cho cán bộ vận động, thuyết phục, y vẫn ngoan cố chống cự, dùng người thân làm bình phong cản trở lực lượng truy bắt và dùng súng AK bắn trả quyết liệt. Máu đã đổ. Ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, gồm Thượng tá Hà Thái Yềm, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu; Thiếu úy Sùng A Trư, cán bộ công an huyện và Trung úy Bùi Quốc Đại (PC 17). Một số chiến sĩ bị thương. Con trai Vàng A Khua cũng thiệt mạng bởi chính loạt đạn từ họng súng của cha mình.
Theo Thượng tá Hà Công Cận, từ năm 1990 trở về trước, cùng với xã Pà Cò, Hang Kia nổi tiếng với việc trồng cây thuốc phiện. Có thời điểm, quy mô "canh tác" tại hai xã lên tới 700ha (mỗi hécta thu được 28kg). Đầu năm 2000, chiến dịch triệt phá cây thuốc phiện cơ bản hoàn thành thì nhiều đối tượng chuyển sang buôn bán ma túy…
Địa bàn Tây Bắc với núi rừng hiểm trở luôn là điểm “nóng” về ma túy. |
Sau 30 phút xe chạy, nhóm phóng viên Hànộimới vào tới địa phận xã Hang Kia. Người nào người nấy nét mặt căng thẳng, lo âu. Cũng đúng, bởi chúng tôi bị ám ảnh từ vụ án Vàng A Khua. Hơn thế, ông Cận cho hay, trước Tết Nguyên đán Tân Mão, cơ quan chức năng đã thu tại xã này 170 khẩu súng các loại. Để cảnh giới, những tên trùm ma túy đã thiết lập một mạng lưới "chim lợn" dày đặc tại đây và luôn "dị ứng" với bất cứ người lạ nào. Chỉ cần một chiếc xe công vụ đi vào, chỉ di biến động nhỏ là từ đầu bản đến cuối bản đã có "báo động"...
Sau vụ án Vàng A Khua, đồng chí Vàng A Nhà - cán bộ công an huyện Mai Châu được điều động về làm Phó Trưởng công an xã. Hang Kia cũng là quê của Vàng A Nhà. Anh không chỉ thông thạo địa bàn mà còn gần gũi với người dân trong xã. Trao đổi với chúng tôi, anh Nhà cho biết: "Vụ án đã khép lại nhưng cái khó nhất là ổn định tâm lý người dân, tuyên truyền, vận động để họ hiểu, ủng hộ cuộc chiến chống ma túy".
Là công an "cắm xã", Vàng A Nhà "thấm" cái phức tạp, nguy hiểm khi nhiều đối tượng cầm đầu các đường dây, ổ nhóm vẫn đang tìm mọi cách để lấy xã Hang Kia làm địa bàn trung chuyển ma túy.
“Vành đai vàng”
Đại tá Lê Quang Đán, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên dáng người vâm chắc, đồng nghiệp vẫn thường nói vui rằng anh có kiểu đi lùi lũi như gấu, khiến tội phạm khiếp sợ. Dấu ấn nhiều năm đánh án ma túy hiện rõ trên con người anh, từ giọng nói, dáng đi và làn da đen cháy vì nắng gió. Đó là hệ quả của những buổi "nếm mật nằm gai" để "chặt vòi bạch tuộc" ma túy. Anh bảo: "Là tỉnh giáp Lào, Điện Biên chịu áp lực rất lớn về ma túy từ trung tâm "tam giác vàng" - công xưởng sản xuất "cái chết trắng" của thế giới. Từ "tam giác vàng", từ Luông Nậm Thà, Bo Kẹo, theo quốc lộ 13 và sông Mê Kông, ma túy được vận chuyển về Luang Prabang tuồn qua Điện Biên, Sơn La. Bọn tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy đã thành lập nhiều đường dây xuyên quốc gia. Giới buôn ma túy người Lào thường dùng ô tô làm phương tiện, thủ đoạn cất giấu tinh vi và trang bị rất nhiều vũ khí nóng. Lọt vào Điện Biên, ma túy được tuồn đi các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh... để tiêu thụ. Vì vậy, tuyến biên giới này có thể xem là "vành đai vàng" của "cung đường ma túy".
Xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong những trọng điểm trên bản đồ "vành đai vàng" nhiều năm nay. Các đối tượng buôn bán ma túy trong xã thường sang lấy ma túy ở bản Pa Hốc, suối Huổi Máy, Huổi Chung (Lào), phân nhỏ lẻ rồi tuồn theo đường mòn về nội địa. Từ đây, "hàng trắng" được vận chuyển bằng xe máy theo quốc lộ 279. Việc buôn bán được cảnh giới, bảo vệ chặt chẽ, núp dưới nhiều vỏ bọc như: lợi dụng học sinh, sinh viên đi giao hàng, chuyển tiền qua đối tượng trung gian, giao dịch mua bán bằng tiếng "lóng" và xé lẻ ma túy cất giấu ở những nơi khó tìm. Nhiều đối tượng không phải công dân địa phương nhưng vì có "chân rết" nên dễ dàng ra vào biên giới với lý do thăm thân, làm thuê...
Tại hai xã Pa Thơm, Thanh Chăn (huyện Điện Biên), việc buôn bán, vận chuyển ma túy giờ đã có phần lắng dịu. Nhưng đó chỉ là sự bình yên tạm thời. Đối diện với những điểm nóng khét tiếng về ma túy bên Lào như Khu 2 Huổi Lói (huyện Mường Lày, tỉnh Phong Xa Lỳ), nhiều tuyến buôn bán ma túy đã hình thành giáp ranh biên giới nước ta. Tại Pa Thơm, nhiều điểm hết sức phức tạp nổi lên như Púng Bon, Púng Minh, tại Thanh Chăn là các đội 1, 2, 6...
Theo Đại tá Lê Quang Đán, đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy qua biên giới chủ yếu là con nghiện, độ tuổi từ 18 đến 45. Đặc biệt, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Chúng thành lập các đường dây buôn bán ma túy khép kín theo gia đình, dòng họ, vận chuyển theo toán, nhóm và luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Các nhóm này thường chọn những nơi địa hình hiểm trở, dễ cảnh giới để họp chợ ma túy đường biên.
Cũng nóng bỏng chẳng kém Hòa Bình và Điện Biên, với 250km đường biên giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), hai cửa khẩu quốc tế Pa Háng, Chiềng Khương và rất nhiều đường tiểu ngạch, Sơn La có 5 huyện với tổng cộng 17 xã được xem là trọng điểm. Nếu như trước đây, tỉnh chỉ có 3 huyện Mộc Châu, Sông Mã, Yên Châu thì nay có thêm Sốp Khộp được đưa vào danh sách "điểm nóng" về ma túy của Sơn La.
Oằn mình vì nghiện
Điều đau lòng ở chỗ, nhiều bản làng, xã biên giới "nóng" vì ma túy cũng đang oằn mình bởi con em dính vào cái "chết trắng". Hầu hết các bản trên địa bàn hai xã Pa Thơm, Thanh Chăn đều có đối tượng nghiện ma túy, đáng chú ý là các bản Púng Bon, Pa Xa Lào, Pa Thơm (xã Pa Thơm), các đội 1, 2, 6, 18 (xã Thanh Chăn). Kết quả khảo sát cho thấy Pa Thơm có 27 đối tượng nghiện, Thanh Chăn có 97. Tính chung, khu vực biên giới của tỉnh Điện Biên đã có 1.676 người nghiện ma túy (số liệu năm 2010). Và như một cái vòng luẩn quẩn, để thỏa mãn cơn vật vã vì "đói thuốc", các con nghiện lại chui vào vòng xoáy vận chuyển ma túy. Nhiều con nghiện trực tiếp mua và bán lẻ, tạo ra nhiều tụ điểm phức tạp về mua bán, tổ chức sử dụng ma túy. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã trở thành mắt xích quan trọng trong các đường dây vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn.
Hai xã Hang Kia, Pà Cò cũng là hai trong số những địa bàn mà cơ quan chức năng phải dành nhiều công sức giải quyết vấn nạn người nghiện. Tại đây có hơn 50 đối tượng thuộc diện phải lập hồ sơ cai nghiện, giáo dục và cảm hóa tại cộng đồng. Đa phần, họ là những người còn sót lại từ tệ nạn "trồng cây thuốc phiện" để hút bàn đèn.
Ám ảnh ma túy lởn vởn khắp nơi. Trong lúc ngồi nói chuyện, một cán bộ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Hòa Bình) buồn rầu thông báo: Thành phố vừa có năm "cụ" trăm tuổi qua đời các anh ạ. Thoạt tiên, chúng tôi không hiểu. Anh giải thích, là số tuổi của năm "cụ" cộng lại mới đủ trăm. Các "cụ" ấy toàn trẻ cả, chết vì ma túy khi mới vừa đôi mươi.
Chúng tôi bỗng thấy sống lưng lạnh toát. Không biết ngày mai rồi sẽ đến ai khi các điểm nóng về ma túy vẫn tồn tại ở cả 3 tỉnh nằm dọc quốc lộ 6?