Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đời sống - Ngày đăng : 07:38, 17/03/2011

(HNM) - Hà Nội có số người trong độ tuổi lao động tăng nhanh và chất lượng lao động ngày được nâng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thị trường lao động Hà Nội mới được hình thành, phát triển còn mang nặng tính tự phát. Cơ cấu lao động còn nhiều bất cập, lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao vẫn chưa đủ cho nhu cầu.

Hà Nội còn gần 60% lực lượng lao động chưa qua đào tạo nên thiếu nguồn lao động chất lượng cao, thành thạo ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Theo kết quả tuyển dụng khảo sát, nhiều DN thậm chí chỉ tuyển được khoảng 10% nhu cầu, nhất là với nhân lực có trình độ kỹ thuật. Nhiều DN Hà Nội đã phải "cố" tuyển lao động cho dù không hợp với công việc. Tuyển người không đúng trình độ sẽ dẫn tới số lao động này làm việc không hiệu quả và không ổn định. Hà Nội có dân số trên 6,4 triệu người, số người trong độ tuổi lao động là 4,3 triệu. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, dân số và lao động của Hà Nội tuy lớn song sự mất cân đối giữa cung - cầu lao động khá rõ nét. Bên cạnh đó, tốc độ dịch chuyển cơ cấu lao động dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp còn chậm. Cơ cấu lao động một số ngành còn bất hợp lý, năng suất lao động trong một số ngành còn thấp như: nông nghiệp, làng nghề.

Các cơ sở dạy nghề cần được nâng cấp trang thiết bị góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tuấn

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp như thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề; tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy và học nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; xây dựng - đổi mới giáo trình, chương trình dạy nghề cho học sinh... Báo cáo đến hết năm 2010 cho thấy, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, tỷ lệ học viên học nghề tốt nghiệp trên 95%, tỷ lệ học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 70%, nhiều trường dạy nghề đạt 100%. Tuy nhiên, theo điều tra của Sở LĐ-TB&XH sau khi lấy ý kiến đánh giá của người sử dụng lao động tại Thủ đô cho thấy, kỹ năng nghề của lao động qua đào tạo chỉ có trên 30% đạt khá giỏi, còn gần 59% đạt loại trung bình.

Theo dự báo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2011 số người trong độ tuổi lao động khoảng 4,338 triệu người và đến năm 2015 sẽ là 4,667 triệu người (bình quân tăng hằng năm khoảng 90.000 người). Với mức tăng như vậy, mỗi năm thành phố có khoảng 180.000 - 200.000 lao động chưa có việc làm, chưa kể số người di cư và có thể thấy trong 5 năm tới, áp lực việc làm là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu của DN, bên cạnh việc phát triển hệ thống đào tạo nghề, theo Chương trình giải quyết việc giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đang ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm và giá trị lao động. Đây được coi là điểm mấu chốt để giải bài toán thiếu lao động của các doanh nghiệp, bảo đảm phát triển thị trường khách quan, ổn định, tạo ra nhiều việc làm.

Với mục đích phát triển thị trường lao động Hà Nội theo hướng mở, một loạt biện pháp kích cầu lao động đã được đưa ra. Theo đó, kinh tế sẽ được chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ, khôi phục và phát triển các làng nghề, phố nghề. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiền lương, tiền công trên thị trường lao động...

Nhân lực Hà Nội đang trong tình trạng thừa mà thiếu; việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu "nóng" của các DN là một trong những biện pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài.

Bảo Chân