Việc đơn giản thành phức tạp?

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 17/03/2011

(HNM) - Hà Nội đang quyết tâm xử lý triệt để trên 500 nhà

Những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Bá Hoạt


Một quyết định không được nghiêm túc thực hiện

Phải nói ngay rằng, từ đầu năm 2005, UBND TP Hà Nội đã có quy định rất cụ thể về việc xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" (SMSM). Đó là Quyết định 26/2005/QĐ-UBND được ban hành ngày 18/2/2005 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong đó, Mục 2 Điều 9 quy định: "Trường hợp Nhà nước thu hồi một phần đất ở của người đang sử dụng nếu phần diện tích ngoài chỉ giới GPMB còn lại dưới 20m2 hoặc từ 20m2 trở lên nhưng hình thể thửa đất không đủ điều kiện xây dựng nhà ở theo quy hoạch - kiến trúc thì UBND quận, huyện nơi có đất bị thu hồi ra quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích công cộng, hoặc tạo điều kiện để cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân chuyển nhượng, chuyển đổi quyền sử dụng đất để hợp khối xây dựng theo quy hoạch. Chi phí bồi thường, hỗ trợ được tính vào tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ của dự án. Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất để hợp khối, các tổ chức, hộ gia đình cá nhân phải có cam kết về sử dụng đất và xây dựng công trình với UBND quận, huyện".

Quy định trên rất đầy đủ, nhưng thực tế đã không được UBND các quận, huyện thực thi nghiêm túc. Số nhà SMSM đã tăng liên tục những năm qua và lên tới 533 trường hợp. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ còn cho biết: "Đây mới chỉ là thống kê chưa đầy đủ. Con số chính xác có thể còn cao hơn". Từ chỗ vấn đề nhà SMSM tưởng như giản đơn, nay đã trở thành vấn đề lớn, một hiện tượng mang tính phổ biến gây bức xúc trong dư luận.

Trong số 533 trường hợp nhà SMSM ở Hà Nội, đặc biệt có 186 trường hợp phát sinh sau khi Quyết định 26 có hiệu lực và tồn tại cho đến bây giờ. Lẽ ra các trường hợp này phải được UBND các quận, huyện thu hồi hoặc tổ chức hợp khối theo đúng quy định nói trên. Đây là minh chứng cho thấy các quận, huyện chưa thực thi đúng trách nhiệm được giao.

Các quận, huyện phải chịu trách nhiệm "kép"

Về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà SMSM xuất hiện tràn lan như hiện nay, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ cho rằng "Vai trò kiểm tra đôn đốc, hỗ trợ cho các địa phương và tham mưu, giúp việc cho UBND TP trong quản lý nhà nước về quy hoạch đất đai, trật tự xây dựng của các sở, ngành chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị; một số cơ quan chưa thực sự vào cuộc trong việc phối hợp xử lý vi phạm…".

Không nghiêm chỉnh chấp hành theo Quyết định 26, hầu hết các quận, huyện còn có trách nhiệm trong việc để người dân tự ý xây dựng nhà trên những thửa đất lẽ ra phải bị thu hồi. Khi các ngôi nhà SMSM đã hình thành, việc xử lý trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì điều này, UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm "kép" trong việc để nhà SMSM tồn tại, thậm chí còn tiếp tục vi phạm như hiện nay. Có lẽ, TP cũng nên cân nhắc việc xem xét, xử lý trách nhiệm UBND các quận, huyện trong việc "buông lỏng" quản lý gây hậu quả phức tạp này. Đây là việc cần làm nhằm làm rõ trách nhiệm quản lý ở cơ sở không chỉ ở riêng lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Điều này cũng cho thấy việc giám sát chặt chẽ của thành phố đối với các quận, huyện.

Để khắc phục hậu quả nhà SMSM hiện nay, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện triển khai các giải pháp. Trước đó, lãnh đạo UBND TP đã hứa trước HĐND TP rằng, chắc chắn phải xử lý được vấn đề nhà SMSM. Đây là lời hứa thể hiện trách nhiệm cao của lãnh đạo TP Hà Nội. Nhưng để trách nhiệm đó được cụ thể hóa bằng hiệu quả công việc, không thể không nói đến vai trò quyết định của UBND các quận, huyện. Chỉ có sự vào cuộc thống nhất từ cấp TP xuống cơ sở mới có thể giải quyết triệt để tình trạng nhà SMSM. Xử lý 533 nhà SMSM dịp này chính là cách để các cơ quan quản lý chữa lỗi vì đã không thực thi Quyết định 26 một cách nghiêm túc, cũng như không duy trì quản lý tốt trật tự xây dựng.

Sở Xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành giải quyết toàn bộ nhà SMSM trước ngày 10-10-2011. Nếu làm được như vậy, Hà Nội sẽ có diện mạo khang trang hơn. Và khi ấy, cái được về mặt quản lý nhà nước cũng sẽ rất ý nghĩa.

Võ Lâm