Tin đồn thất thiệt - phải triệt tận gốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 17/03/2011
1. Khi tin đồn về sự tán xạ hạt nhân từ Nhật Bản gây ảnh hưởng đến Việt Nam, mà "bằng chứng cụ thể" là "trận mưa bất thường" vào đầu giờ chiều 15-3 ở Hà Nội đã được nhiều phương tiện truyền thông cảnh báo là tin thất thiệt, thì sáng qua, vẫn có người điện thoại nhắn nhủ người thân: "Đã xem phóng sự sáng nay chưa? Tình hình phát tán phóng xạ không thể kiểm soát rồi. Phải cẩn thận khi ra đường, trời mưa thì dù có việc quan trọng cũng không nên ra khỏi nhà".
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn TƯ, thông tin về mưa axit không có cơ sở khoa học và trận mưa to tại Hà Nội đã được dự báo từ trước đó. Các tầng gió thổi đến Việt Nam không có nguồn gốc từ Nhật Bản và vì vậy, Việt Nam khá an toàn trước nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại Fukushima. Thông tin từ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy, cơ quan này đã yêu cầu Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học & kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tổ chức quan trắc phóng xạ môi trường tại hai trạm quốc gia, đến nay vẫn chưa ghi nhận sự bất thường nào về phóng xạ…
Thật khó đánh giá thiệt hại từ tin đồn nói trên. Có lẽ chúng ta đã khá may mắn bởi tin đồn nói trên không gây hậu quả vật chất nặng nề ngoài việc một số phụ huynh đã bỏ nhiệm sở để đi đón con sớm, hoặc cho con nghỉ học. Nhưng nỗi lo không đáng có là điều có thật, chúng lan truyền rất nhanh trong cộng đồng mà nếu không có sự cam kết của những người có trách nhiệm, có thể sẽ dẫn đến sự bất ổn về tinh thần của nhiều người. Cần nhớ rằng, tại thủ đô Manila của Philippines, tin đồn về những trận mưa axit trên diện rộng đã khiến toàn bộ số thuốc đặc trị cho bệnh nhân bị mưa axit đã bị vét sạch, một trường đại học quyết định ngừng giảng dạy và sự hốt hoảng đã từ đây lan ra cả châu Á.
2. Tin đồn thì ở đâu cũng có, nước nào cũng có. Nhưng dường như tin đồn, đặc biệt là tin đồn thất thiệt ở Việt Nam… "hơi bị" nhiều, mà không phải tin nào cũng vô hại. Chỉ tính trong thời gian gần đây, người ta đã lan truyền nhiều thứ "lạ tai". Nào là lệ phí hộ chiếu tăng, nào là dân sở hữu vàng, ngoại tệ là bất hợp pháp; nào là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành tờ tiền mệnh giá một triệu đồng, nào là tin đồn di dời một số đơn vị hành chính lên Sóc Sơn… Bất cứ thứ gì có thể thu hút sự đầu tư của công chúng, đặc biệt là xăng dầu, vàng, bất động sản, chứng khoán… đều có thể trở thành đề tài đồn thổi, được giới đầu cơ lợi dụng để tung tin thất thiệt nhằm trục lợi. Những tin đồn nói trên đã khiến nhiều người cảm thấy bất an, có trường hợp làm thị trường rối loạn, cuộc sống của đa số bị xáo trộn. Giá đất ở Sóc Sơn đã "sốt" bất thường, nhiều người đổ xô đi làm hộ chiếu… Tâm lý bất an kéo theo lối ứng xử tự phát một cách bất thường rất khó kiểm soát, tạo cơ hội cho giới đầu cơ thỏa sức kiếm chác.
Hành vi tung tin thất thiệt để trục lợi, gây rối loạn trật tự xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế - xã hội thì dĩ nhiên là phải bị xử lý, nhẹ thì là biện pháp hành chính, nặng thì xử lý hình sự, Chính phủ đã có nghị định về vấn đề này. Nhưng, phải thấy rằng sự cải chính và trấn áp chỉ là hạ sách. Thượng sách là tạo nguồn thông tin chính thống chính xác, bảo đảm sự minh bạch nhằm loại bỏ cơ hội phát sinh tin đồn. Chính phủ, hoặc là trực tiếp hoặc là thông qua các tổ chức, cơ quan, cung cấp thông tin chính xác, khách quan nhằm bảo đảm cho nhân dân biết được bản chất, hiện tượng và diễn biến vấn đề. Thông tin chính thống cần được đưa ra sớm, dựa trên sự dự báo chính xác những vấn đề có thể nảy sinh trong dư luận xã hội và trong quá trình vận hành nền kinh tế.
Khi thông tin chính thống thỏa mãn nhu cầu cần được thông tin, bảo đảm quyền được thông tin của đa số, bảo đảm tính chính xác, khoa học thì chắc chắn cơ hội tung tin thất thiệt sẽ bị xóa tận gốc.