Làng Vân Điềm

Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 18/12/2003

Vân Điềm đất của xương phiền                              Cha con sánh bước hoè hiên chen bầy.                                (Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự)Làng Vân Điềm tên Nôm là Kẻ Đóm, nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh nhưng suốt trong quá trình lịch sử lâu dài luôn gắn bó mật thiết với huyện Đông Ngàn - vùng đất có nền văn hoá Nho học phát đạt thuộc loại nhất nhì đất nước.

                                         Vân Điềm đất của xương phiền

                                    Cha con sánh bước hoè hiên chen bầy.

(Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự)

Làng Vân Điềm tên Nôm là Kẻ Đóm, nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh nhưng suốt trong quá trình lịch sử lâu dài luôn gắn bó mật thiết với huyện Đông Ngàn - vùng đất có nền văn hoá Nho học phát đạt thuộc loại nhất nhì đất nước.

Theo lưu truyền dân gian trong vùng thì đầu thế kỷ XV, tại khu vực làng và đồng Vân Điềm hiện nay đã hình thành bốn cụm dân cư là làng Nùi, xóm Vó Bè, làng Đóm và xóm Ba Điểm. Sau đó, bốn dân này hội cư về một khu vực, hình thành một làng lớn hơn, có tên trong sổ hành chính là thôn Nội Điểm thuộc xã Hà Lỗ rồi đổi thành Vân Điềm và được "biệt xã". Trong làng chỉ có một dòng họ Lê, còn tất cả các dòng họ khác đều mang tên "Nguyễn".

Trong số những dòng họ có mặt sớm tại làng, có họ “Nguyễn Đại tôn” vốn gốc họ Lý, nhánh của Lý Quang Bật và Lý Long Tường (cùng hàng với Lý Huệ Tông) sau khi nhà Trần lên ngôi phải thất tán đi khắp nơi rồi về đây lập nghiệp. Mang dòng dõi hoàng tộc, cuối thế kỷ XVI, con cháu nhà Lý mang họ Nguyễn làng Vân Điềm bắt đầu nảy nở anh tài với 6 tiến sĩ. Người đỗ đầu tiên là Nguyễn Thực (đỗ Hoàng giáp năm1595), con là Nguyễn Nghi (1619) Hai cháu nội Nguyễn Nghi là Nguyễn Khuê và Nguyễn Sĩ cùng về làng vinh quy bái tổ năm 1670. Con Nguyễn Khuê là Nguyễn Thẩm nối đường vinh hiển của cha 36 năm sau đó (1706). Một người cháu của Nguyễn Thẩm (con của em hàng chú ruột) là Nguyễn Thưởng đỗ năm 1754, cùng với Tiến sĩ Nguyễn Lân của dòng họ Nguyễn khác (đỗ năm 1712) làm cho Vân Điềm - Kẻ Đóm trở thành làng khoa bảng có tiếng ở đất Đông Ngàn.

Trong các tiến sĩ của làng Vân Điềm, sử sách nhắc nhiều đến hai cha con Nguyễn Thực và Nguyễn Nghi, đều làm quan đến Lại bộ Thượng thư - đỉnh cao của danh vọng, được sử sách cũ ca ngợi : " Hai cha con đồng thời làm Thượng thư, được phong tước Quận công, đứng đầu các quan, thực là hiếm có". Đáng lưu ý, dòng họ này có đến 4 người đi sứ sang Trung Quốc là Nguyễn Thực, Nguyễn Nghi, Nguyễn Sĩ và Nguyễn Thưởng.

Ngoài 7 tiến sĩ, làng Vân Điềm còn có 18 hương cống thời Lê và 1 cử nhân thời Nguyễn. Nhiều người trong số họ là con cháu họ Nguyễn gốc Lý.

Ngày nay, truyền thống hiếu học và khoa bảng của cha ông vẫn được con cháu làng Vân Điềm phát huy. Hiện làng có khoảng 120 người tốt nghiệp đại học, 7 người được nhận học vị tiến sĩ, nhiều thạc sĩ. Số học sinh vào đại học của làng trong mấy năm nay đều cao hơn so với các làng trong vùng, mỗi năm có từ 8 - 10 em.

Làng Vân Điềm hiện còn ngôi đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đình thờ Đức thánh Tam Giang. Lễ hội hàng năm từ 8 đến 20 tháng giêng, có lệ thi lợn thờ giữa 2 giáp. Trong làng hiện còn nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Thực (đã được xếp hạng Di tích LSVH), nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Lân. Đặc biệt làng vẫn bảo tồn được văn chỉ với 2 tấm bia quý, lập năm 1674 – 1675. Bài văn bia do Tiến sĩ, Tham tụng Phạm Công Trứ soạn, ca ngợi truyền thống khoa bảng của làng. Dân làng đang có hướng trùng tu lại, văn chỉ, lấy đó làm niềm khích lệ các thế hệ con cháu theo gương cha ông học hành thành đạt.

Bùi Xuân Đính

TUANANH