“Vạch lá, bắt sâu” trong hoạt động xuất khẩu lao động

Đời sống - Ngày đăng : 16:06, 16/03/2011

(HNMO) – Sáng 16/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam”, từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách lao động.

(HNMO) – Sáng 16/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam”, từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách lao động.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, bà Trịnh Thu Nga, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân số - lao động- việc làm cho biết: Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với người lao động làm việc tại 4 nước như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, trở về nhà trong thời gian 2004 – 2008 và hiện tại đang sinh sống tại các địa phương khảo sát; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) và chính quyền địa phương các cấp. Kết quả khảo sát cho thấy, XKLĐ mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế cho người lao động như thu nhập cao hơn, tiền tiết kiệm được tới 89%, chi tiêu cho đời sống và đầu tư SXKD. Đáng chú ý, XKLĐ góp phần chuyển dịch cơ cấu việc làm của người lao động sau khi về nước theo hướng tích cực như: tăng cường việc làm phi nông nghiệp, vị trí công việc tốt hơn, tỷ lệ lao động làm công ăn lương tăng từ 17,6% lên đến 26,6%. XKLĐ đã và đang có tác động tích cực góp phần đáng kể nâng cao chất lượng lao động VN như trình độ ngoại ngữ, tay nghề, tác phong lao động và nhận thức xã hội…

Còn nhiều mặt trái trong công tác XKLĐ

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều mặt trái còn tồn tại trong hoạt động XKLĐ hiện nay. Đó là, một bộ phận người lao động đi xuất khẩu chưa tốt nghiệp PTTH, đa số chưa qua đào tạo. Có một số vi phạm thỏa thuận khi doanh nghiệp đưa thẳng lao động phổ thông sang nước ngoài làm việc với danh nghĩa là lao động có nghề, phát sinh tranh chấp lao động, gây khó khăn cho cả người sử dụng lao động và người lao động ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, đa số người lao động phải vay mượn để chi trả các khoản liên quan đến chuẩn bị đi XKLĐ. Thủ tục vay vốn đi XKLĐ của các ngân hàng còn phức tạp, mức vay thấp (cho các thị trường có chi phí cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan); Một số người lao động phải vay tư nhân với mức cao. Người lao động phải nộp chi phí chính thức cao hơn so với quy định ở một số thị trường có thu nhập cao như: Đài Loan, Nhật Bản với lý do để bù đắp chi phí để lấy được các hợp đồng từ các đối tác nước ngoài.

Mặt khác, một bộ phận người lao động phải về nước trước hạn hoặc phải làm những công việc khác so với hợp đồng lao động mà chủ yếu do trình độ “đào tạo” của người lao động không đáp ứng yêu cầu của công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Nhìn chung, mức lương của lao động VN thấp hơn so với mức lương của lao động người địa phương, thậm chí lao động làm thuê đến từ các quốc gia khác. Thời gian làm việc bình quân một ngày cũng như số ngày làm việc bình quân một tháng của lao động nhìn chung cao, đặc biệt trong nhóm lao động giúp việc gia đình ở Đài Loan. Các lao động này do trình độ văn hóa và ngoại ngữ kém nên thường yếu thế trong thương lượng và thỏa thuận và tiến lương, đặc biệt là lương làm thêm giờ… Sự hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp XKLĐ đối với lao động trở về để tìm kiếm việc làm và tái hòa nhập thị trường còn hạn chế…

Cần khắc phục ở cả 3 cấp: cơ quan quản lý NN, doanh nghiệp và người lao động

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị đối với cơ quan quản lý về XKLĐ như: Cần tăng cường các hoạt động hợp tác với các nước tiếp nhận lao động trong việc bảo vệ quyền con người của tất cả lao động xuất khẩu; Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức XKLĐ có tay nghề; Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể tiếp cận được với các thông tin liên quan đến XKLĐ (chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình dự án…); Tiến hành đánh giá nhu cầu của thanh niên, người lao động trong các vùng có sức ép về việc làm lớn, đánh giá nhu cầu hỗ trợ của người XKLĐ trở về, đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ…

Tiếp đó, đối với tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết phù hợp cho người lao động; Chuyển hướng ưu tiên thị trường XKLĐ và lựa chọn những việc làm yêu cầu lao động có trình độ tay nghề cao; Tăng cường hoạt động tiếp xúc và hỗ trợ người lao động của các doanh nghiệp XKLĐ trong quá trình người lao động sống và làm việc tại nước ngoài; Nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan, đối tác khác có liên quan, để giải quyết tranh chấp phát sinh về hợp đồng xuất khẩu lao động.

Đặc biệt, đối với người lao động, cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và ngoại ngữ khi tham gia XKLĐ; Chủ động tìm hiểu các quy định về hoạt động XKLĐ nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, góp phần hạn chế tối đa trình trạng lừa đảo trong XKLĐ; Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật và tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình sống và làm việc tại nước ngoài. Bên cạnh đó, người lao động cần tăng cường mối quan hệ gắn kết với các cơ quan đại diện của nhà nước và doanh nghiệp XKLĐ trong khi ở nước ngoài để có được thông tin và các biện pháp bảo vệ tốt hơn. Người lao động cũng cần chủ động trong việc tái hội nhập vào thị trường lao động khi về nước, có kế hoạch sử dụng nguồn vốn tiết kiệm được vào phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện sống.

Trước những khuyến nghị trên, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hòa bày tỏ, trong 30 năm qua hoạt động XKLĐ đã giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Hiện có hơn 400 nghìn người có việc làm ngoài nước, có thu nhập cao hơn nếu cũng người đó làm việc trong nước. Đời sống của người lao động được cải thiện, cho con cái đi học, tạo vốn phát triển sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, lao động của VN có trình độ tay nghề, ngoại ngữ còn hạn chế, kể cả khi đã được đào tạo. Doanh nghiệp XKLĐ hiện còn phải ôm nhiều chức năng như cả việc đưa người lao động đi làm việc, lẫn đào tạo. Tính chủ động của người lao động yếu nên Nhà nước phải đứng ra can thiệp nhiều (hiện đã có 8 Ban quản lý lao động ở ngoài nước). Người lao động cũng ít tin vào các luồng tin chính thống, dễ bị qua cò mồi, trách nhiệm của doanh nghiệp lớn nên chi phí cao.

Để khắc phục những vấn đề trên, Thứ trưởng cho rằng trong thời gian tới cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả XKLĐ qua chất lượng nguồn lao động, kỹ năng lao động, xây dựng lực lượng doanh nghiệp giỏi trong đàm phán hợp đồng XKLĐ. Bên cạnh đó, để bảo vệ lợi ích của người lao động ở nước ngoài cần có sự tham gia tích cực hơn của các tổ chức xã hội và có biện pháp sử dụng hiệu quả hơn khi người lao động về nước.

Lan Hương