“Xin việc” cho người khuyết tật

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 15/03/2011

(HNM) - Với một người bình thường, tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đã chẳng dễ, nên với một người bị tật chân như Phạm Văn Tuấn (ở xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lại càng khó.

Tốt nghiệp nghề sửa chữa điện tử, không tìm được việc làm, Tuấn chuyển hướng sang thành lập Công ty cổ phần Phát triển việc làm và Hỗ trợ người khuyết tật An Tuấn. Hiện công ty có hai cơ sở với hơn 100 lao động, trong đó 70% là người khuyết tật.

Để lo việc cho lao động trong công ty, "ông chủ" còn rất trẻ - Tuấn sinh năm 1980 - đã phải lặn lội một mình đến gõ cửa từng cơ quan, xí nghiệp, nhà trường để "xin việc" về cho người khuyết tật. Nhìn những chiếc máy may "chạy" liên tục, chẳng ai có thể hình dung nổi Tuấn đã phải đi về bao nhiêu lần, cả ngày lẫn đêm, để có những hợp đồng đặt hàng quý giá ấy.

Khi đã thực hiện thành công những hợp đồng may đồng phục học sinh ở một số trường, Tuấn lại tiếp tục quảng bá "thương hiệu" tới các trường học khác trong và ngoài huyện, sang cả các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy để nhận về những hợp đồng may đồng phục công sở, bảo hộ lao động. Giá rẻ, hàng bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, uy tín, tin cậy là những bí quyết trong kinh doanh của ông chủ trẻ này.

Ở Hải Phòng có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dành cho người khuyết tật, nhưng ở huyện Vĩnh Bảo thì chỉ có duy nhất mô hình của Tuấn. Người khuyết tật trong vùng tìm đến Công ty cổ phần Phát triển việc làm và Hỗ trợ người khuyết tật An Tuấn ngày một nhiều bởi ở đây họ được học nghề, có việc làm, có thu nhập. Không chỉ có nghề may, Tuấn còn có xưởng in lưới và cắt chữ quảng cáo, tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động. Thu nhập bình quân của người lao động tại công ty hiện nay khoảng hơn một triệu đồng/tháng, dù chưa cao nhưng cũng đủ để họ trang trải và ổn định cuộc sống.

Dự định phía trước còn nhiều nhưng điều Tuấn luôn trăn trở là: "Huyện Vĩnh Bảo còn nhiều người khuyết tật chưa được đào tạo nghề, chưa có việc làm. Ngày càng nhiều người khuyết tật đến với công ty, trong khi mặt bằng cơ sở, trang thiết bị máy may không đủ đáp ứng". Thời gian tới, Tuấn quyết tâm mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm 60 máy may, tuyển dụng thêm khoảng 150 người khuyết tật, nâng thu nhập người lao động bình quân lên 2 triệu đồng/tháng. Đây là những bước đi táo bạo nhưng đầy tâm huyết của một người khuyết tật lập nghiệp bắt đầu từ ý tưởng tạo việc làm cho người đồng cảnh.

Thanh Thúy