Loại trừ nguy cơ tái diễn “thảm họa Chernobyl”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:38, 15/03/2011

Số người thiệt mạng đã vượt quá 5.000

Đã 4 ngày trôi qua kể từ sau thảm họa trận động đất gây sóng thần kinh hoàng ngày 11-3, nước Nhật đang phải sống trong những thời khắc khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đến tối 14-3, số người thiệt mạng ghi nhận được đã vượt con số 5.000 người, trong khi còn khoảng 20.000 người vẫn chưa thể liên lạc được. Thông tin này đã được nhà chức trách Nhật Bản đưa ra sau khi phát hiện khoảng 2.000 thi thể tại bờ biển thuộc Bán đảo Ojika và Minamisanriku của tỉnh Miyagi. Hiện trực thăng cứu hộ vẫn đang lùng sục khắp khu vực Xintomei và Nobiru thuộc Minamisanriku để tìm kiếm nạn nhân.

Tìm thông tin về người thân tại Trung tâm thông tin Sendai.

Những lo lắng chưa dứt khi sáng 14-3 thêm một vụ nổ nữa xảy ra ở khu vực lò phản ứng số 3 của Nhà máy Điện số 1 Fukushima thuộc tỉnh Fukushima. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano khẳng định lò phản ứng số 3 không bị vỡ. Ngay sau đó Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân khỏi khu vực nguy hiểm trong vòng bán kính 20km quanh nhà máy. Đến nay đã có 360.000 dân được di tản đến nơi an toàn. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng khẳng định, lượng phóng xạ tại khu vực Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 sau khi xảy ra vụ nổ tại lò phản ứng số 3 hiện "ở mức bình thường".

Trong khi đó, trước lo ngại về khả năng hiện tượng phóng xạ phát tán, Tổng Giám đốc Trung tâm Chernobyl về các vấn đề an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ và sinh thái phóng xạ của Ukraina, Mikhail Bondarkov ngày 14-3 nhận định, khả năng tái diễn thảm họa Chernobyl tại Nhật Bản, nơi vừa xảy ra các vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân do động đất đã bị loại trừ. Ông Mikhail Bondarkov cho biết, ở Nhật Bản không thể xảy ra sự cố giống như ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, do có thiết kế khác và không có gì có thể cháy được - ở đó chỉ có nước và urani. Theo ông, các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản có độ an toàn cao, tuy nhiên vẫn cần được hiện đại hóa và phân tích nguyên nhân vì sao các hệ thống làm mát lò phản ứng lại bị hỏng để đưa ra các đề xuất về hoàn thiện các tổ máy.

Ngày 14-3, cơ quan Khí tượng Nhật Bản tuyên bố, cường độ trận động đất hôm 11-3 làm rung chuyển khu vực ven biển Thái Bình Dương là 9 độ richter, không phải 8,8 độ richter như đã công bố trước đó. Cơ quan này đã chỉnh sửa lại thông tin sau khi phân tích sóng động đất và các dữ liệu khác. Cường độ của trận động đất này tương đương trận động đất ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia năm 2004 gây sóng thần cực mạnh ở Ấn Độ Dương. Cũng trong ngày 14-3, một trận động đất mạnh 5,8 độ richter đã xảy ra gần bờ biển Honshu khiến Chính phủ Nhật Bản phải ban bố cảnh báo sóng thần mới.

Tu nghiệp sinh Việt Nam vẫn an toàn

Các gia đình có người thân tại Nhật Bản chưa nhận được thông tin của người thân có thể liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản theo các địa chỉ:

- Thư điện tử: vnembassyjp@gmail.com;


- Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam: 0081.3.3466.3313

- Ban Quản lý lao động Việt Nam: 0081.3.3466.4324

- Bộ phận quản lý lưu học sinh Việt Nam: 0081.3.6868.7512
.

Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, đến cuối ngày 13-3, Ban Quản lý đã nắm bắt hầu hết thông tin của số tu nghiệp sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản do các Nghiệp đoàn và đại diện doanh nghiệp phái cử ở Nhật Bản cung cấp. Hiện có khoảng 18.000 tu nghiệp sinh Việt Nam đang ở Nhật Bản. Số tu nghiệp sinh đang tu nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng mạnh bởi trận động đất là 71 người, tại 5 tỉnh Fukushima, Iwate, Miyagi, Kushiro và Ibaraki. Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có thông tin gì về thiệt hại đối với tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Còn báo cáo của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan) cho biết, tổng số 451 tu nghiệp sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản theo Chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và IMM Japan hiện đều an toàn.

Trong khi đó, theo Đài NHK của Nhật Bản, tất cả sinh viên Việt Nam ở Đại học Tohoku ở thành phố Sendai, thuộc tỉnh Miyagi - một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do động đất và sóng thần, đều an toàn. Bạn Bùi Phi Anh, một sinh viên Trường Đại học Tohoku, toàn bộ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam ở trường đại học này đều an toàn và đã liên lạc được với nhau. Hiện nay, các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam ở Đại học Tohoku đang tạm trú tại một trung tâm lánh nạn khẩn cấp và được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và nhu yếu phẩm. Theo thông tin từ Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), hiện người Việt Nam ở thành phố Sendai đang tập trung thành 3 nhóm. Nhóm 1 có 15 người, trong đó có 2 em nhỏ, lánh nạn tại Hachiman. Nhóm 2 có 9 người, trong đó có 1 em nhỏ, lánh nạn tại khu trường học Kawauchi. Nhóm 3 có khoảng 11 người, chủ yếu là sinh viên Đông Du, ở gần trường tiếng Nhật ga Sendai. Tại Sendai vẫn chưa có điện và khí đốt nhưng dự kiến sẽ được cung cấp lại trong 2-3 ngày tới.

Kiểm tra dấu hiệu nhiễm xạ cho người vừa ra khỏi khu vực ảnh hưởng của nhà máy điện hạt nhân.

Trong khi đó, ông Hồ Minh Tuấn, Công sứ ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, ĐSQ chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào của công dân Việt Nam. Những người trong vùng bị nạn được chính quyền sở tại cung cấp đủ chỗ ở, sưởi ấm và nước uống.

Từ khi xảy ra thiên tai, có một số công dân Việt Nam thông báo muốn trở về nước. Tuy nhiên, việc di chuyển ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Đông bắc Nhật Bản không dễ dàng do đường sá bị hư hại nhiều. Ông Tuấn cho biết thêm, qua nắm tình hình có một số người Việt ở Nhật đang lo sợ về phóng xạ hạt nhân, song nỗi lo sợ này có thể do chưa hiểu hết vấn đề. Ông Tuấn cho rằng, chưa cần sợ hãi về nguy cơ nhiễm xạ hạt nhân.

Chung tay khắc phục hậu quả

Ngày 14-3, Nhật Bản đã triển khai thêm 100.000 nhân viên dự bị phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Đây là lần đầu tiên các đội cứu hộ Nhật Bản cần bổ sung lực lượng để đối phó với một thảm họa thiên nhiên.

Trong khi đó, các nước tiếp tục tham gia cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ Nhật Bản. Trung Quốc đã cử một đội tìm kiếm và cứu hộ 15 người tới tỉnh Iwate. Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga cũng thông báo hai đội cứu hộ của nước này với hơn 70 nhân viên cứu hộ đã lên đường tới Nhật Bản. Bộ Kinh tế Hàn Quốc cho biết sẽ chuyển một phần khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu sang Nhật Bản để giúp giảm tình trạng thiếu năng lượng, đồng thời sẽ cử thêm 102 nhân viên cứu hộ tới giúp Nhật Bản. Các nước như Cu Ba, Phần Lan, Litva, Mông Cổ, Bangladesh, Sri Lanka... cũng đề nghị tham gia hoạt động cứu hộ.

Theo dõi sát tình hình ô nhiễm phóng xạ tại Nhật Bản

(HNM) - Hôm qua (14-3), theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã có báo cáo nhanh về sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản, đặc biệt là mức độ nhiễm xạ có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không. Viện Năng lượng nguyên tử khẳng định, hai trạm quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia trực thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học, kỹ thuật hạt nhân (tại Hà Nội) đã tổ chức tốt việc quan trắc phóng xạ môi trường. Đến nay, không có bất kỳ sự bất thường nào về phóng xạ được phát hiện. Do sự cố ở hai nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản chỉ ở cấp độ 4 nên chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực lân cận nhà máy.

Thế Dũng

Đình Hiệp