Ghi điểm, và...mất điểm !
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 15/03/2011
Cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã "ghi điểm" khi đạt được mục tiêu trong công tác quản lý là lập lại trật tự bước đầu thị trường ngoại hối, các DN xuất khẩu đã bán ngoại tệ cho các ngân hàng, thanh khoản ngoại tệ được cải thiện, tỷ giá đang dần ổn định...
Cũng những ngày qua, trên thị trường xuất hiện tin đồn: Người dân không được sở hữu vàng miếng và ngoại tệ. Về vấn đề này, trong trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí ngày 12-3, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (thuộc NHNN) Nguyễn Quang Huy cho biết, những thông tin trên là không có cơ sở. Đối với các quyền về ngoại tệ của người dân, Điều 24 Pháp lệnh Ngoại hối do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 13-12-2005 có quy định, người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động và sử dụng vào các mục đích hợp pháp khác. Nghị định 160 của Chính phủ ban hành năm 2006 cũng đã quy định chi tiết về thi hành Pháp lệnh Ngoại hối.
Trở lại vấn đề "ghi điểm" của cơ quan quản lý. Chúng ta phải thừa nhận, người dân có những lý do hợp pháp về nhu cầu sử dụng ngoại tệ khi cho con em du học ở nước ngoài hoặc đi công tác, du lịch, thăm thân, chữa bệnh... Về mặt chính thống, người có nhu cầu về ngoại tệ phải thực hiện giao dịch tại hệ thống ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được phép hoạt động. Tuy nhiên, không ít DN xuất nhập khẩu không muốn bán "đô" cho ngân hàng và ngược lại, nhiều DN thẳng thắn nhận xét, mua được ngoại tệ của ngân hàng là không đơn giản. Cũng còn không ít điều tiếng phàn nàn về sự rườm rà trong thủ tục hoặc tốn thêm chi phí... "bôi trơn". Với các đơn vị, DN còn như vậy, huống hồ là người dân.
Trên thực tế, giao dịch ngoại tệ của thị trường tự do chỉ chiếm khoảng 20% giá trị toàn thị trường ngoại hối, song sự tồn tại của thị trường này trong thời gian dài buộc ngành chức năng phải nhìn lại hoạt động của chính mình. Sau việc lập lại trật tự bước đầu trên thị trường ngoại hối những ngày qua, trả lời về việc đáp ứng nhu cầu của người dân, Vụ trưởng Nguyễn Quang Huy cho biết: NHNN đang cân nhắc một số giải pháp để tạo điều kiện cho cá nhân có thể mua được ngoại tệ tại ngân hàng với giá hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người dân, đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng đáp ứng tốt nhu cầu này, góp phần xóa bỏ hoạt động bất hợp pháp của thị trường ngoại tệ tự do". Như vậy, việc "thắt" lại thị trường chưa song hành với các giải pháp bảo đảm quy luật cung - cầu. Trong khi nhu cầu ngoại tệ hiện nay trông chờ cả vào hệ thống ngân hàng thì các ngân hàng lại khá dè dặt khi phục vụ những nhu cầu này bởi nhiều nguyên nhân như khả năng đáp ứng, sự hợp lệ của hồ sơ, thủ tục, giấy tờ (theo quy định), thậm chí là cả tâm lý không muốn bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân khi ngân hàng phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh như kiểm đếm, bảo đảm an toàn, đọng vốn... Sự bất cập đó sẽ dẫn đến tồn tại thị trường ngầm, khó kiểm soát, ở phạm vi hẹp với những đầu mối tin cậy... để đối phó với các cơ quan chức năng.
Khi kiểm soát chặt chẽ giao dịch ngoại tệ, tránh hiện tượng đầu cơ, tích trữ, thao túng thị trường cần phải có các giải pháp song hành để đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn ngoại tệ dễ dàng với tỷ giá như ngân hàng công bố. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ triệt để tình trạng "đôla hóa" nền kinh tế, đồng thời thiết lập hệ thống thu đổi ngoại tệ rộng rãi, linh hoạt như các nước trong khu vực và thế giới đang áp dụng. Có như vậy mới hy vọng loại bỏ được tình trạng mua bán ngoại tệ bất hợp pháp cũng như chế độ hai tỷ giá tồn tại trong nhiều năm qua.
Việc "ghi điểm" cơ quan chức năng đã làm được, nhưng tiếp theo đó, việc "giữ điểm" còn khó hơn nhiều và nếu như không giải quyết được cái gốc của vấn đề thì lại sẽ... "mất điểm".!