“Một cửa” thiếu “bản lề”

Chính trị - Ngày đăng : 06:33, 15/03/2011

(HNM) - Trước yêu cầu đối với bộ phận


"Ngóng" cán bộ


Gii quyết th tc hành chính ti UBND phường Thanh Lương (qun Hai Bà Trưng). nh: Hin Chi


9h sáng ngày 2-3, một số công dân đến bộ phận "một cửa" của UBND xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) để làm thủ tục hành chính (TTHC) nhưng lại phải ngồi chờ… cán bộ. Nguyên nhân là do xã Phụng Châu chưa bố trí cán bộ chuyên trách trực tại "một cửa" mà vẫn là cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống bộ phận "một cửa" nhận hồ sơ từ công dân. Vì thế, người dân nơi đây dù đến "một cửa" vẫn luôn thấp thỏm không biết hôm nay có gặp được cán bộ để nộp hồ sơ hay không?

Đây cũng là tình trạng chung bởi không ít đơn vị xã, phường trên địa bàn TP chỉ tiếp nhận hồ sơ hành chính (HSHC) vào một số ngày trong tuần (tùy theo lĩnh vực). Ngay cả cấp huyện, cũng có nơi chỉ phân công cán bộ hợp đồng hoặc kiêm nhiệm làm việc tại "một cửa". Chẳng hạn, tại UBND huyện Phúc Thọ, cả 5 cán bộ "một cửa" đều là kiêm nhiệm. Khi một hoặc vài người trong số 5 vị đó bị điều đi làm nhiệm vụ khác thì số cán bộ còn lại sẽ thay thế, tiếp nhận tất cả các loại hồ sơ rồi chuyển sang phòng chuyên môn.

Theo ông Vũ Xuân Thanh, Phó Trưởng phòng CCHC Sở Nội vụ TP: "Việc cán bộ kiêm nhiệm và nhận thay như vậy sẽ rất khó bảo đảm các hồ sơ được tiếp nhận đã đầy đủ thành phần theo đúng yêu cầu, nhất là hồ sơ có nhiều quy trình, thủ tục như lĩnh vực nhà đất, xây dựng... Nếu cứ nhận rồi chuyển lên phòng chuyên môn mới phát hiện ra thiếu rồi lại yêu cầu công dân bổ sung sẽ rất phiền phức. Hơn nữa, việc không chuyên trách sẽ rất khó quy trách nhiệm, khó xử lý nếu họ để xảy ra sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ".

Trong lần kiểm tra đột xuất về công tác CCHC (ngày 11-3 vừa qua), đoàn kiểm tra liên ngành của TP khẳng định, huyện Phúc Thọ nếu không bố trí cán bộ chuyên trách thì rất khó "bắt nhịp" với mặt bằng CCHC của các đơn vị cấp huyện trong TP. Đoàn kiểm tra đã từng nhắc nhở huyện về điều này cách đây hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến và công tác CCHC của UBND huyện Phúc Thọ vẫn "thua" nhiều xã trên địa bàn.

TP Hà Nội đã có nhiều đơn vị làm tốt việc thực hiện "một cửa" như các quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông… Và gần đây, "một cửa" của UBND huyện Chương Mỹ đã lấy lại được cảm tình của người dân kể từ khi phân công cán bộ chuyên trách. Theo lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ, trước đây, "một cửa" của huyện cũng chỉ là hình thức khi phân lịch định kỳ vài ngày trong tuần, cán bộ chuyên môn ra "một cửa" nhận hồ sơ rồi về phòng làm việc giải quyết. Cách làm đó khiến người dân phải "ngóng" ngày làm việc của cán bộ và thời gian trả hồ sơ cho công dân thường bị chậm so với quy định. Đến nay, "một cửa" của huyện đã có 8 cán bộ chuyên trách tiếp nhận HSHC và quy trình giải quyết được thực hiện đúng quy định.

Cán bộ cũng thiệt thòi

Việc không phân công chuyên trách còn làm cho cán bộ "một cửa" bị… thiệt thòi. Do công việc đặc thù có nhiều áp lực, đòi hỏi kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn cao, TP đã quy định chế độ đãi ngộ riêng cho đối tượng này tại Quyết định số 2748/QĐ-UBND ngày 24-12-2008 về chế độ phụ cấp đối với CBCC làm việc tại bộ phận "một cửa". Theo đó, cán bộ chuyên trách tiếp nhận, trả kết quả TTHC cấp TP, sở, ngành, quận, huyện được bồi dưỡng 500 nghìn đồng/người/tháng; cấp xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng 300 nghìn đồng/người/tháng. Cán bộ chuyên trách tiếp nhận và trả kết quả TTHC còn được cấp 1 triệu đồng/người/năm tiền trang phục. Trong khi đó, cán bộ kiêm nhiệm công tác này thì bồi dưỡng được tính theo buổi tương đương với hai cấp trên là 15 nghìn đồng/người/buổi và 10 nghìn đồng/người/buổi. Hiện nay, toàn TP có 2.152 CBCC làm việc tại bộ phận "một cửa" thuộc các cơ quan, UBND các cấp. Trong đó, chỉ có 664 cán bộ chuyên trách. UBND cấp sở và cấp huyện còn bố trí nhiều hợp đồng lao động (cấp huyện là 29%, cấp sở 19,4%), nhiều CBCC làm kiêm nhiệm (cấp huyện là 19%, cấp sở 26,1%). Riêng UBND cấp xã đang sử dụng cán bộ hợp đồng và công chức kiêm nhiệm với tỷ lệ khá cao (69,1%).

Theo Quyết định số 84/2009/QĐ-UBND quy định về việc thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội, biên chế của "một cửa" cấp huyện do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trong tổng số biên chế được giao cho cơ quan; biên chế của cấp xã được bố trí 2 biên chế lấy trong tổng số biên chế được giao; chỉ có bộ phận "một cửa" của UBND cấp xã mới có thể sử dụng cán bộ hợp đồng và cán bộ kiêm nhiệm, còn "một cửa" cấp sở và cấp huyện phải sử dụng công chức chuyên trách. Vì vậy, các đơn vị cần chủ động phân công cán bộ để bảo đảm được quyền lợi cho cán bộ và cho tổ chức, công dân đến giao dịch hành chính.

Phong Thu