Đầu tuần, giá vàng tăng hơn 10.000 đồng/chỉ rồi lại giảm

Kinh tế - Ngày đăng : 09:56, 14/03/2011

(HNMO) - Buổi sáng phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới (14/3), giá vàng trong nước tăng 12.000 đồng, lên mức 3,730 triệu đồng/chỉ nhưng sau đó lại quay đầu đi xuống, còn 3,720 triệu đồng/chỉ. Thị trường tự do về ngoại tệ tiếp tục ngừng hoạt động.


Mở cửa thị trường, Công ty CP SJC Hà Nội niêm yết giá ở mức 3,715 triệu đồng/chỉ (mua vào)-3,730 triệu đồng/chỉ (bán ra). Giá vàng miếng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu là 3,713 triệu đồng/chỉ - 3,730 triệu đồng/chỉ. Các mức trên cao hơn hôm qua khoảng 12.000 đồng mỗi chỉ.

Tuy nhiên, đến 9h40, hai doanh nghiệp này giảm 8.000-10.000 đồng/chỉ, xuống mức 3,707-2,722 triệu đồng/chỉ (Bảo Tín Minh Châu) và 3,706-3,720 triệu đồng/chỉ (SJC).

Tương tự như vậy, tại thị trường TPHCM, đầu giờ sáng Công ty Sacombank-SBj niêm yết vàng SBJ mua vào là 3,722 triệu đồng/chỉ, bán ra ở mức 3,73 triệu đồng/chỉ; vàng SJC có giá 3,72 triệu đồng/chỉ - 3,732 triệu đồng/chỉ. Đến 9h30, doanh nghiệp này để giá lần lượt ở mức 3,709-3,717 triệu đồng/chỉ và 3,708-3,718 triệu đồng/chỉ.

Thị trường vàng trong nước tuần qua trầm lắng, sự trầm lắng này không chỉ trong tuần qua mà bắt đầu từ khi có thông tin sẽ xoá bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Theo dự báo, tuần này khả năng giao dịch cũng chưa thể khởi sắc.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á sáng nay ở mức 1.418,6 USD/ounce, biên độ giảm 1 USD/ounce. Cuối tuần qua, giá vàng thế giới tăng 8 USD/ounce, lên mức 1.418,5 USD/ounce. Tình hình căng thẳng chính trị tại Trung Đông và khủng hoảng nợ công khu vực Châu Âu là nhân tố chính hỗ trợ giá vàng.

Giá vàng vừa tăng lại giảm.


Về giá USD, tỷ giá bình quân do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 14/3 ở mức 20.663 VND/1 USD. Tại khối ngân hàng thương mại, cặp tỷ giá này được niêm yết phổ biến là 20.865 VND-20.870 VND. Thị trường tự do về ngoại tệ tiếp tục ngừng hoạt động sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ hoạt động này.

Trước việc thị trường tự do ngừng hoạt động, người dân khó mua USD tại ngân hàng, cuối tuần qua, đại diện Ngân hàng cho biết, theo quy định, khi người dân cần ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh... ở nước ngoài thì có thể đến ngân hàng để mua. Trên cơ sở hồ sơ, chứng từ hợp lệ, các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ tùy thuộc vào khả năng để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của cá nhân. Tuy nhiên, việc thực hiện giao dịch ngoại tệ tiền mặt cũng làm phát sinh nhiều chi phí cho các ngân hàng, như chi phí xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, chi phí kiểm đếm, bảo quản, bảo đảm an toàn, chi phí do đọng vốn... Do vậy, có thể có một số ngân hàng còn dè dặt khi thực hiện bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết giải pháp khai thông bế tắc trên: “Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc một số giải pháp để tạo điều kiện cho cá nhân có thể mua được ngoại tệ tiền mặt tại ngân hàng với giá hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân, đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng đáp ứng tốt nhu cầu này, góp phần xóa bỏ hoạt động bất hợp pháp của thị trường ngoại tệ tự do”.

Hương Thủy