Vì người tiêu dùng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:32, 14/03/2011

(HNM) - Người tiêu dùng ở nước ta nhìn chung, đều chưa ý thức được đầy đủ mình là người quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nên thường không hiểu mình có nhiều quyền và nghĩa vụ cần được bảo vệ, chăm sóc của không chỉ xã hội mà cả pháp luật.


Nhưng đó là điều khó tránh được của thời tự do cạnh tranh trong một thị trường còn sơ khai. Càng ngày sự lừa lọc, chụp giựt, cá lớn nuốt cá bé, bóc lột người tiêu dùng càng mất chỗ đứng. Theo quy luật đó, Nhà nước ta, trong đó có chính quyền Thủ đô Hà Nội đang ngày càng có nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Tuần lễ "Bán hàng vì người tiêu dùng" do thành phố đứng ra tổ chức vừa khai mạc hưởng ứng Ngày bảo vệ người tiêu dùng thế giới 15-3 là một thí dụ.

Không chỉ tuần lễ này, từ đã lâu, nhất là từ năm ngoái kéo dài sang cả năm nay, Hà Nội đã chi 400 tỷ đồng để trợ giá hàng hóa, mở ra 1.000 điểm bán hàng trợ giá của hàng chục công ty, siêu thị. Tuy còn nhiều bất cập nhưng chủ trương trợ giá hàng hóa đã giúp rất lớn cho việc ổn định đời sống người dân thành phố trong thời điểm vật giá leo thang đến chóng mặt này. Cũng một phần nhờ trợ giá, Tết Tân Mão đã đi qua một cách an toàn về giá cả hàng hóa và đang phát huy điều đó. Để bảo vệ người tiêu dùng, thành phố cũng đã ráo riết các biện pháp quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả. Công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng có tiến bộ một bước. Đó là những thành tích không thể không tính đến.

Tháng 7 này, Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ có hiệu lực, tạo hành lang pháp luật cho một trong những hoạt động được coi là quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường. Chuẩn bị cho ngày luật này có hiệu lực, Bộ Công thương đã có chủ trương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện như tuyên truyền, hội thảo, tổ chức hội chợ, tuần lễ bán hàng vì người tiêu dùng, các giải thưởng "Người tiêu dùng thông minh" kể cả xét xử một số vụ án điểm về tội cố ý vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, phá hoại nền kinh tế thị trường định hướng XHCN… trong đó Hà Nội là đơn vị đi đầu, hưởng ứng tích cực. Những dự kiến có nhiều và đó đều là những dự kiến nên làm, không chỉ năm nay mà còn trong lâu dài.

Tuy nhiên, trong nhiều việc cần làm, nên đặt ra những việc ưu tiên để có điều kiện thực hiện dài hơi chẳng hạn như chống lạm phát, chống đầu cơ ăn theo giá, quản lý giá thuốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu được như vậy thì vấn đề ưu tiên hàng đầu, đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân (cũng là người tiêu dùng) hiện nay là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề nói nhiều, làm cũng đã nhiều nhưng không dứt điểm, không hiệu quả, trở thành sự lo lắng thường trực của hầu hết người Hà Nội. Một số người không dám ăn hàng quán bên ngoài đã đành, đến mức không còn dám mua thực phẩm tươi sống ở các chợ Hà Nội về chế biến nữa vì sợ nhiễm độc, không nhiễm độc cấp thì cũng tích tụ lâu dài. Muốn có thực phẩm sạch, về mặt tâm lý, người ta chọn mua ở các siêu thị (nhưng một vài siêu thị cũng đang mất dần niềm tin) hoặc an tâm nhất là thực phẩm tự chăn nuôi, trồng trọt lấy. Nếu cực chẳng đã, phải mua ở các chợ thì phải gọt vỏ thật sâu, ngâm thật kỹ, cho qua các máy khử độc mới dám dùng. Làm sao Hà Nội mà đến mức ấy? Câu hỏi xin dành để các ngành chức năng trả lời.

Vũ Duy Thông