Ai về Nà Bủng mà coi...

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:02, 14/03/2011

(HNM) - Vượt hàng trăm cây số đường rừng đèo dốc, bì bõm qua 3 con suối nước ngập nửa người... cuối cùng chúng tôi cũng đến được xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Một lớp học tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.


Tả tơi nhà bán trú dân nuôi
Chuyến đi này, xe của nhóm phóng viên Hànộimới phải cài cầu, nhích từng mét để bò vào địa phận xã Nà Bủng. Đã quá giờ ngọ, Đại úy Phương Công Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng 413 tỉnh Điện Biên vẫn kiên nhẫn đợi chờ chúng tôi. Anh nắm tay từng người, giọng chia sẻ: Các anh lặn lội tới đây, bà con dân bản cảm phục lắm. Nhiều đoàn công tác đến với Nà Bủng chỉ đi được non nửa chặng đành quay ra vì đường quá xấu, một bên núi cao, một bên vực sâu, sơ xảy chút có thể tai họa ập xuống. Có đoàn nhà báo vào đến nơi, phóng viên khóc rấm rứt vì say xe và mệt, thậm chí có người lả đi, phải truyền nước... Nói rồi, anh Quý khái quát tình hình: Xã Nà Bủng có 14 thôn bản người dân tộc sinh sống, trong đó có 1 bản người dân tộc Dao, còn lại là người Mông. Toàn xã có 1.032 hộ, 6.832 nhân khẩu nhưng có đến 75% số hộ nghèo đang hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Giao thông đi lại khó khăn, quãng đường từ xã Nà Bủng ra đến huyện Mường Nhé chừng 170 cây số nên kinh tế của địa phương chủ yếu tự cung tự cấp. Là xã vùng cao, chưa có điện lưới quốc gia, bà con có thể chịu đựng, ăn chưa đủ no, bà con có thể xoay sở qua ngày, nhưng vấn đề thiếu nước sinh hoạt và chỗ ăn ở cho học sinh dân tộc nội trú thì bức bách quá rồi.

Để mắt thấy tai nghe, thầy giáo Quách Văn Trung, Hiệu phó Trường THCS Nà Bủng dẫn chúng tôi đi thăm những căn nhà bán trú dân nuôi. Cả đoàn công tác sửng sốt vì không ai tin 70 túp lều lụp xụp kia là nơi ở của 600 học sinh người dân tộc bán trú. Cả vạt đồi nhấp nhô chi chít những túp lều xiêu vẹo, khiến người lạ có cảm giác quạnh hiu. Mỗi lều rộng chừng 20m2, lợp bằng rơm, rạ và lá cây rừng. Bốn vách xung quanh được quây lại bởi tấm liếp làm từ thân cây luồng, mà thủng lỗ chỗ, chẳng phải nghiêng ngó cũng nhìn thấu trời xanh. Cứ mỗi lều như thế có từ 8 đến 12 em học sinh chen chúc nhau ở. Các em ngủ không có giường, màn, chiếu. Tất tật việc ăn ngủ, đèn sách của cả nhóm ở trên các tấm liếp tre rách nát đặt ở giữa phòng, kế dưới là bếp củi và đống nồi niêu méo mó.

Thầy Trung rơm rớm nước mắt kể: Nghĩ mà thương các em lắm! Ngày nắng, nửa buổi học trên lớp, còn nửa buổi các em phải chia nhau xách can nhựa leo núi để lấy nước về ăn. Ngày mưa thì cơ cực, trong nhà và ngoài trời chẳng khác gì nhau. Nước mưa dột từ nóc nhà xuống, nền đất nhão nhoét, bao nhiêu sách vở, chăn chiếu của các em ướt hết. Các thầy, các cô huy động có bao nhiêu áo mưa, bao tải dứa mang vá chằng vá đụp lên nóc nhà, mong có chỗ để các em đứng chân mà cũng khó. Mỗi lần như thế, thầy trò chỉ còn cách đứng co ro, tựa vào nhau mà khóc và cầu mong trời đừng mưa nữa.

Lực bất tòng tâm
Ông Cháng A Gie, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nà Bủng buồn rầu cho biết, ngân sách để xây dựng nhà bán trú cho học sinh chỉ đủ làm một căn nhà 5 gian, với sức chứa tối đa khoảng 60 học sinh. Đối tượng được vào ở căn nhà này phần lớn là con em gia đình cực nghèo hoặc bố mẹ mất sớm. Để giải quyết nơi ở cho 600 em học sinh còn lại, UBND xã, Đồn Biên phòng 413, nhà trường và các bậc phụ huynh phải dựng gần 70 lán tạm bằng tranh tre nứa lá. Chúng tôi biết ở tạm bợ trong những lều lán như thế tội cho các em, nhưng lực bất tòng tâm...

Thấy có khách đến thăm, một cậu bé vội chui ra khỏi lều, mặt mũi đen thui ám đầy than và khói bếp. Tôi hỏi: Cháu tên gì? Ngần ngừ, sợ sệt, cậu bé nói tên là Giàng A Lếnh, học sinh lớp 8A3. Lếnh là người dân tộc Mông, nhà cách trường chừng 26 cây số. Bố mẹ Lếnh đẻ được 9 người con, chỉ có Lếnh được đi học cái chữ. Hết một tháng, Lếnh lại quốc bộ về nhà một lần đem theo mấy cân gạo, vài ba mớ rau rừng và bố mẹ cho 10 nghìn đồng để làm lộ phí. Tôi hỏi tiếp: Thế hằng ngày, Lếnh ăn bằng gì? Cậu bé lí nhí đáp: Chỉ có cơm chan nước sôi thôi hoặc mèn mén "bột ngô đồ" thôi, mà có nước sôi để chan là may rồi. Vào mùa khô, chúng cháu phải đi bộ 5-6 cây số mới lấy được một can nước, có khi đi hết đêm à.

- Vậy đã bao lâu rồi Lếnh chưa được ăn thịt, cá?

Lếnh cười buồn, lắc đầu nói không nhớ. Có cậu phóng viên trẻ nghe vậy, thương quá, cho các em mấy trăm nghìn đồng, nói chiều đi mua thịt về mà ăn. Lúc ấy, tôi thấy mấy cô giáo bước vội ra ngoài, lấy vạt áo lau nước mắt...

Thầy Trung, Hiệu phó Trường THCS Nà Bủng cho chúng tôi biết thêm: Đúng là bữa ăn hằng ngày của các con chỉ có cơm thôi, rau xanh thì bữa có bữa không. Theo quy định, các em học sinh dân tộc được miễn toàn bộ tiền học phí, sách vở. Đối với trường hợp nội trú, các gia đình có con em đi học phải chủ động lo nơi ăn, chốn ở. Nhiều học sinh của trường rất thông minh, có chí nhưng rồi đành bỏ học vì nhà quá nghèo, phải theo bố mẹ đi rẫy. Có không ít học sinh lớp 6, lớp 7 vừa  đi học vừa phải địu em, điều kiện học tập sinh hoạt quá thiếu thốn, nhiều em mắc bệnh hiểm nghèo nên dù không muốn cũng phải nghỉ.

Ông Phạm Văn Quý, Trạm trưởng Trạm y tế quân dân y kết hợp cho biết, trạm cũng đã khám chữa cho một số học sinh nội trú nhưng chủ yếu là xử lý các vết thương phần mềm. Trạm mới thành lập nên phương tiện không có, toàn bộ thuốc men đều cậy nhờ vào lực lượng biên phòng. Chính vì thế, những ca bệnh hiểm nghèo cần chẩn đoán, điều trị đều nằm ngoài tầm kiểm soát của trạm y tế.

Đến Mường Nhé, vào xã Nà Bủng, chúng tôi mới hiểu phần nào sự hy sinh của những người lính biên phòng, những thầy cô giáo trẻ vùng xuôi đang gắn kết đời mình gieo cái chữ cho con em đồng bào nơi đây. Trường THCS Nà Bủng có tất thảy 34 cán bộ giáo viên nhưng chỉ có 8 giáo viên được ở trong dãy nhà công vụ, số còn lại các thầy, cô phải "tùy nghi di tản". Vào thăm những căn nhà sập sệ thầy, cô tự làm, chúng tôi nghẹn lại, dâng trào cảm xúc. Ngoài chiếc giường ọp ẹp vừa là chỗ nằm, vừa là nơi soạn giáo án, một chiếc thùng đựng đồ cá nhân, phòng của các thầy cô trống trơn, không còn thứ vật dụng gì khác. Nhiều cô giáo trẻ đã tình nguyện về với Trường THCS Nà Bủng nhưng rồi chỉ được ngót hai tháng họ phải bỏ về xuôi, không một lần trở lại nơi này vì cái nghèo khó, khắc nghiệt đeo bám. Đặc thù giáo dục ở miền núi cũng khác miền xuôi bởi cứ đến mùa thu hoạch hay lên nương, đa số học sinh phải nghỉ ở nhà giúp bố mẹ. Theo yêu cầu của Phòng Giáo dục huyện về việc bảo đảm sĩ số lên lớp, các thầy, cô lại cuống cuồng lội suối, băng rừng đi đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đi học.

Cô giáo Chu Thị Đoán nói với chúng tôi: Các anh lên đây đi lại thấy vất vả chứ chúng em quen rồi. Để đến được các điểm trường lẻ, hay mỗi lần xuống thôn bản, có khi chúng em phải đi bộ mất nửa ngày. Trời nắng chỉ hơi bụi một chút nhưng trời mưa thì thôi rồi, bùn đất phủ từ đầu đến chân.

Tập quán sinh hoạt của người Mông gắn với nương, với rừng. Đã qua cái thời du canh, du cư, nhưng nhà nào nhà nấy chi chít con, cái ăn lo còn chẳng đủ nói gì đến chuyện sách vở, học hành. Chính vì thế, mỗi lần vận động thuyết phục được một em học sinh đến trường có khi cô giáo phải xuống bản tới vài ba lần. Gặp người hiểu thì đỡ, người không hiểu họ xua thầy, cô như xua tà. Họ vặn vẹo rằng: "Đi học thì có làm ra ngô ra thóc không? Cái chữ tốt lắm nhưng bao nhiêu cái chữ thì đổi được một con trâu". Gặp những tình huống ấy, các thầy, cô lại phải nhẹ nhàng thuyết phục, đồng thời phối hợp với lực lượng biên phòng và chính quyền xã đến từng nhà vận động, cố lôi kéo các em quay lại trường, nhưng đa phần chỉ học hết THCS là lại bỏ về với nương rẫy, số học lên nữa của các bản, đếm được trên đầu ngón tay.

Rời Nà Bủng, ngược chiều với chúng tôi, trên những quãng đường xóc nảy đom đóm mắt và bụi lầm, đôi ba tốp học sinh bước thấp, bước cao vừa về nhà để lấy thêm gạo, rau đang quay lại trường. Em thì vắt vẻo bao gạo bé tí trên vai, em thì mớ cải héo rũ trên tay... Nhìn thấy khách lạ, đám trẻ toét miệng cười. Những nụ cười trong veo. Có người trong xe nhắc anh tài phanh lại, đừng đi nhanh làm bụi bọn trẻ. Cũng chỉ thế thôi, chứ chúng tôi nào giúp được gì cho các em ngoài mong ước đến cháy bỏng rằng một ngày gần đây có các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm sẽ tìm được đường đến với Nà Bủng để cùng chung tay góp sức giúp thầy trò nơi đây vượt qua gian khó.

Tống Ngọc Thanh