Làng… đi buôn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 13/03/2011
Xã thương lái
Một lần đi chợ Đồng Xuân mua giày dép, tình cờ gặp cả trăm người dân Thị Nguyên buôn bán, lao động, nghe qua những lam lũ, vất vả của nghề nhưng thấy ai cũng giàu có, rồi hẹn một lần về Thị Nguyên cho biết. Dân quanh vùng vẫn quen gọi Thị Nguyên là làng có nhiều tỷ phú mang dáng dấp của phố. Gọi là phố quả chẳng sai! Từ Quốc lộ 21B đến ngã tư Vác vào hơn cây số, Thị Nguyên sầm uất không kém bất kỳ phố thị nào ở Hà thành. Hai bên đường nhà cao tầng san sát, ô tô, xe máy đời mới dựng la liệt bên những ngôi biệt thự nhà vườn đồ sộ mà ở phố ít nhà có được. Khác chăng là nơi đây không có người đi dạo phố. Phụ nữ Thị Nguyên đã quá quen với cảnh "Ăn với chồng nửa bữa- Ngủ với chồng nửa đêm".
Người Thị Nguyên buôn bán nón, mũ lá. Ảnh: Linh Ngọc |
Tại phòng tiếp dân của UBND xã Cao Dương, gần chục người đang chờ xin chữ ký, đóng dấu. Vị cán bộ xã nói vọng ra: "Nhà báo chờ một lát nhé!", rồi lại lúi húi ký, đóng dấu. Tưởng anh là cán bộ văn phòng, hóa ra là Phó Chủ tịch UBND xã - Chu Văn Chung. Tạm dừng công việc, anh phân bua: "Nhà nông có mùa có vụ, dân chúng tôi mùa vụ quanh năm. Lại sắp tổ chức bầu cử HĐND nên cán bộ xã chóng mặt từ sáng tới chiều muộn mà có hết việc đâu". Ở Cao Dương kinh tế đồng đều, không chỉ có người dân Thị Nguyên mới khá giả mà ở các thôn khác cũng có nhiều hộ xoay sang kinh doanh dịch vụ.
Hỏi đến nghề buôn như đụng đến "bài tủ", anh Chung rành rẽ. Nói về truyền thống buôn bán, tuy không có thuận lợi (cận thị, cận giang) như nhiều địa phương khác nhưng dân Thị Nguyên đi đến đâu là "đóng đô" làm ăn thuận lợi ngay ở đó. Ở Thị Nguyên hình thành 2 nhóm, đi buôn thị trường phía Nam và thị trường phía Bắc với gần 100 hộ. Mỗi năm vốn quay vòng hàng hóa, gồm giày dép, nón, mũ lá… lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng dân Thị Nguyên không mấy ai vay ngân hàng, kể cả các nguồn vốn ưu đãi về xuất nhập khẩu. Buôn bán là nghề không sờ thấy được như nghề mộc, nghề xây, hay bất kỳ nghề nào khác. Vậy mà cứ đời này qua đời khác, cha truyền con nối, nghề buôn khắc vào tính cách con người Thị Nguyên đức tính chịu thương chịu khó, tần tảo.
Tiếp chúng tôi trong căn biệt thự đối diện cổng UBND xã, anh Nguyễn Đình Hội cho biết, dân Thị Nguyên làm ăn có cạnh tranh nhưng mưu hại ai thì chưa bao giờ, đã làm ăn với nhau thì như là anh em nên công việc khá thuận lợi. Hỏi về sự giàu có của những hộ đi buôn ở đây, anh Hội cho hay, đã là dân làm ăn ở Thị Nguyên thì việc xây dựng 1 - 2 ngôi nhà to, rộng như thế này là bình thường. Nhìn vào ngôi biệt thự với đầy đủ tiện nghi đắt tiền, trước sân là hai chiếc ô tô, xe máy đời mới, chắc nhiều người dân nông thôn mơ ước.
Những tỷ phú “chân đất”
Những ông chủ "chân đất" ở làng Thị Nguyên bao đời nay đều có lý lịch gắn với hai chữ "bần nông", trình độ văn hóa chưa hết THPT, vậy mà khi tính toán làm ăn kinh tế và thích nghi với thị trường thì nhiều người được học cũng phải nể. Đến thăm gia đình ông Trần Ngô Hải, một thương gia chuyên buôn giày dép. Ông Hải vừa đi lễ chùa về cho biết: "Tháng này chưa phải là cao điểm làm ăn của dân Thị Nguyên, mà phải từ tháng 6, tháng 7 đến cuối năm chúng tôi mới bận". "Buôn bán giày dép, mũ nón hai chiều với Trung Quốc có khó không?" - tôi hỏi. Ông Hải cười lớn: "Thì cũng như nông dân cày ruộng thôi. Khác là họ cày bằng trâu thật, còn chúng tôi cày bằng "trâu sắt", cày trên đường nhựa…". Năm vừa qua, tỷ giá đồng nhân dân tệ tăng mạnh, mình vừa đặt hàng hôm trước, nợ vài ngày đã hết lãi, thành thử trước đây còn nợ lại bạn hàng bên đó nhưng nay ai cũng hạn chế. Người Thị Nguyên như con nhện khéo đan mạng lưới thương trường ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Rồi ông Hải tự hào: "Thời nào cũng vậy, dân làng Thị Nguyên đi buôn chưa từng bị sạt nghiệp mà chỉ có giàu hay không thôi". Nghe vậy, tôi chợt nhớ lại câu mà người dân Thanh Oai thường nói: "Người làng Thị Nguyên đã đi làm ăn quẳng đâu cũng không chết".
Bà Chu Thị Dần, năm nay đã ngoài 80 tuổi là một trong số ít phụ nữ của thôn đi buôn bán ở các tỉnh phía Bắc sớm nhất, nhớ lại: Thời điểm đổi mới - sau năm 1986, các bà, các mẹ trong làng đi buôn sợi thuốc lá mãi tận Sơn La, Lào Cai. Vất vả, tần tảo nhưng cũng chỉ đủ bữa qua ngày. Bà kể, ngày đó vất vả lắm, muốn mua, bán cái gì cũng phải đến tận nơi, thành thử đi trên đường nhiều hơn ở nhà. Trước đi buôn vất vả 10 nay chưa đến 1, chỉ cần trao đổi qua điện thoại, internet là xong. Tôi từng được nghe người làng Thị Nguyên không chỉ khéo lựa chọn mẫu hàng hợp với nhu cầu của thị trường mà còn đáng nể ở khâu bán hàng, chào hàng. Người làng Thị Nguyên đã giàu nên có điều kiện đầu tư cho con em học hành. Mỗi năm, làng có hàng chục người thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học và dần dần xóa đi "lời nguyền" rằng người làng Thị Nguyên chỉ giỏi đi buôn.