Ao ước giản dị
Văn hóa - Ngày đăng : 07:24, 13/03/2011
Còn nhớ cách đây khoảng 15-20 năm TP Hồ Chí Minh đã có quy định về trang phục khi đến nhà hát, ai mặc đồ bộ trong nhà, đồ ngủ là không được vào xem… Nhắc lại chuyện này, không thừa. Hiện nay, ý thức làm đẹp cho bản thân trở nên quen thuộc với mỗi người trong xã hội hiện đại. Đặc biệt là với những người thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng thì trang phục đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, không chỉ đẹp, bắt mắt mà còn gắn liền với những thương hiệu may mặc nổi tiếng thế giới, rất đắt tiền.
Thế nhưng gần đây, trong các buổi trao giải nghệ thuật có sự hiện diện của nhiều người mẫu, diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, người đẹp thì những sự cố "hở" dưới, "hụt" trên, "khoe" vòng nọ vòng kia liên tiếp xảy ra. Tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất (10-2010), quan khách và công chúng được dịp "thưởng thức" các màn "trình diễn" thời trang phong phú của người đẹp, nào váy áo trong suốt, siêu ngắn, nào áo khoe vòng một "bỏng mắt"… Để rồi sau đó, công chúng buộc phải phản ứng với những trang phục ít nhiều gây phản cảm đó.
Do vậy, việc bà Dương Cẩm Thúy phát biểu với truyền thông như trên chẳng phải là "can thiệp sâu" vào tự do cá nhân. Thời mở cửa, "toàn cầu hóa", "đối thoại với các nền văn minh"… sự du nhập phong cách thời trang của nước ngoài vào Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã trở nên phổ biến. Người ta không còn ngạc nhiên trước những bộ váy áo dạ hội có giá từ vài ngàn đến hàng chục ngàn USD của các người đẹp. Nhưng như thế không có nghĩa dùng hàng đắt tiền, lạ mắt... là đẹp. Trong khi trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam cũng là một phần văn hóa ăn mặc của thế giới. Trong khi nhiều nhà thiết kế thời trang đang tìm về cội nguồn để mở rộng sáng tạo, thì chính các nữ nghệ sĩ trẻ nhiều khi lại quên mất điều này.
Quay về với Lễ trao giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam (diễn ra tối nay 13-3, tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh), có lẽ không ai muốn thấy sự cố trang phục như đã xảy ra. Ao ước giản dị, có khó lắm không?