Hoạt động phong trào thanh niên ở địa phương: Phải thiết thực và phù hợp

Chính trị - Ngày đăng : 07:23, 13/03/2011

(HNM) - Đầu tháng 3 năm nay, lần đầu tiên, Thành đoàn Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban, gặp mặt thủ lĩnh thanh niên ở 577 xã, phường, thị trấn. Đây là cơ hội để các cán bộ đoàn giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động phong trào thanh niên ở địa phương. Nhiều vấn đề, cả thuận lợi, khó khăn và hạn chế trong thu hút, tập hợp thanh niên khu dân cư (KDC) cũng đã được "mổ xẻ".

Chia sẻ kinh nghiệm

Chia sẻ về phương thức tập hợp thanh niên hiện nay ở KDC, anh Lý Duy Xuân, Bí thư Đoàn xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm cho biết, mỗi cụm dân cư đều có những nơi sinh hoạt công cộng như sân đình, sân kho… Đoàn phải tận dụng những khoảng trống này để tổ chức chương trình văn hóa, thể thao (VH-TT) thu hút thanh niên. Cách tổ chức phải thực sự bài bản, có quy định rõ ràng và mỗi cán bộ đoàn phải thật sự nhiệt tình thì mới hút được thanh niên. Nhận rõ sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình của học sinh, sinh viên (HSSV), Ban Chấp hành Đoàn xã Ninh Hiệp đã vận động từng HSSV đang cư trú trên địa bàn xã cùng tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, Đoàn xã đã cùng một số SV chuyên ngành báo chí thành lập website: ninhhiep.com, nhằm giới thiệu tin tức địa phương, những tấm gương vượt khó, những mô hình làm kinh tế giỏi. Trang tin điện tử còn là diễn đàn để thanh niên xã Ninh Hiệp giao lưu với bạn bè bốn phương, phát triển các hoạt động thương mại... Nhiều người đã từng biết Ninh Hiệp có chợ vải nổi tiếng nên tìm vào web để đọc, hỏi cách mở đại lý bán vải. Hoạt động này của Đoàn được chính quyền và nhân dân rất ủng hộ.

Đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ ở từng địa phương. Ảnh: Bá Hoạt

Bí thư Đoàn xã Phương Tú (Ứng Hòa) Nguyễn Văn Cường nêu kinh nghiệm tập hợp thanh niên làm nông nghiệp ở địa phương. Anh cho rằng, việc tập hợp thanh niên hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu có những chương trình thiết thực với tuổi trẻ thì vẫn thu hút được nhiều người tham gia. Thiết thực nhất vẫn là tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn, phát triển kinh tế. Hiện nay, Phương Tú có 17/21 mô hình thanh niên phát triển kinh tế được vay vốn hơn 4 tỷ đồng qua kênh của Đoàn. Từ những mô hình thanh niên làm kinh tế, ''thương hiệu'' Đoàn ở Phương Tú được nâng lên, thanh niên thấy thiết thực và sẵn sàng tham gia các hoạt động cơ sở khi Đoàn phát động.

Đỗ Hoàng Anh, Phó Bí thư Đoàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác Đoàn cơ sở, quan trọng nhất là người "cầm trịch" phải có tố chất lãnh đạo, kỹ năng diễn đạt trước đám đông. Trình độ, nhận thức của cán bộ đoàn cũng cần phải được coi trọng, nói thế nào để thanh niên làm theo mới là cốt yếu.

Gương mẫu đi đôi với đãi ngộ

Báo cáo đánh giá kết quả khảo sát hoạt động cơ sở Đoàn của Thành đoàn Hà Nội cho thấy, đa số cán bộ đoàn cơ sở tích cực, tâm huyết. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ Đoàn còn lơ là, làm qua quýt cho xong. Thực tế, đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở còn không ít người yếu cả về kỹ năng, phương pháp tập hợp, đoàn kết thanh niên, thiếu trách nhiệm với công việc... Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TƯ Đoàn cho rằng, khó khăn của tổ chức đoàn ở KDC đã rõ, đó là quá trình đô thị hóa, nhu cầu việc làm tăng cao vì đất dần bị thu hẹp; thiếu khu vui chơi, giải trí, nơi tổ chức sinh hoạt cho thanh niên; cán bộ Đoàn quá tuổi, kinh phí hoạt động hạn hẹp… Những vấn đề khó khăn đó sẽ từng bước tháo gỡ; điều cốt lõi là mỗi cán bộ đoàn cơ sở phải gương mẫu, trách nhiệm, nói được, làm được thì thanh niên mới tin tưởng và làm theo.

Thành đoàn Hà Nội xác định khối xã, phường, thị trấn có vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức đoàn. Đây là nơi tổ chức, triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác Đoàn, là lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ của từng địa phương; đồng thời là nơi cung cấp cán bộ cho hệ thống chính trị và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Vì thế, sau buổi giao ban, một loạt kế hoạch hoạt động hướng về cơ sở sẽ được thực hiện như tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho bí thư chi đoàn; tổng hợp phiếu xin ý kiến của lãnh đạo các địa phương về mức kinh phí hoạt động của Đoàn, mức phụ cấp đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở; thiết kế các mô hình hoạt động kiểu mẫu KDC lồng ghép với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung hướng dẫn thanh niên viết dự án vay vốn thông qua các kênh của Ngân hàng Chính sách - xã hội, Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm. Đây là việc làm thiết thực nhất ở các địa bàn dân cư, nhất là vùng nông thôn. Vì có phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thì thanh niên mới năng nổ, nhiệt tình với phong trào Đoàn.

Việt Tuấn