Vai trò của ngân hàng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 13/03/2011
Việc này, trong phạm vi nhất định, lại gây ra khó khăn cho một bộ phận người dân có nhu cầu chính đáng như cần ngoại tệ cho đi công tác, đi du lịch, gửi tiền học cho con, tiền viện phí cho người thân chữa bệnh ở nước ngoài… Thị trường ngoại tệ tự do đóng cửa, người ta sẽ mua ngoại tệ ở đâu khi mà ngân hàng lại không có ngoại tệ bán?
Thực sự, nếu ngân hàng đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp thì tự khắc thị trường ngoại tệ tự do sẽ phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, dù mỗi dịp cuối năm, ngân hàng nào cũng báo cáo có lãi lớn, trả lương cho lãnh đạo và nhân viên cao ngất trời nhưng lại không đáp ứng nổi nhu cầu đổi ngoại tệ của người dân thì cũng cần phải xem lại trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội của ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa của việc chúng ta đã từng nhiều lần dẹp thị trường ngoại tệ tự do nhưng không dẹp nổi bởi quy luật cung - cầu, ngân hàng không có ngoại tệ để bán, tất phải có giao dịch phi ngân hàng.
Mấy ngày vừa qua, giao dịch ngoại tệ tự do đã tạm ngừng nhưng các ngân hàng cũng lại hầu như không mua được ngoại tệ theo tỷ giá công bố, càng không có ngoại tệ để bán ra, khiến một kênh lưu thông tiền tệ thực tế bị tắc. Dư luận xã hội rất hoan nghênh chủ trương siết chặt thị trường tiền tệ theo hướng ngày càng lành mạnh của Nhà nước nhưng bên cạnh đó, song song với các biện pháp hành chính, phải "xốc" lại vai trò của ngân hàng. Đây là lúc ngành ngân hàng phải đưa ra được những giải pháp phù hợp (cả trước mắt và lâu dài) cho thị trường để thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bình ổn thị trường tiền tệ, đáp ứng những nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân chứ không chỉ kinh doanh, thu siêu lợi nhuận như thời gian dài vừa qua. Tất nhiên, việc ngăn chặn giao dịch ngoại tệ trái phép cũng cần có lộ trình và phải giữ cho được ổn định giá trị tiền đồng cũng như bình ổn giá cả thị trường nói chung.