Nỗi lo thiếu nước ngọt mùa khô

Xã hội - Ngày đăng : 05:14, 12/03/2011

Chúng tôi đang bị giảm đến 50% sản lượng nước ngọt

Nhà máy nước Cần Giờ chạy hết công suất nhưng chỉ đạt một nửa sản lượng do nước bị nhiễm mặn.


(HNM) - Nước đã thiếu càng thiếu hơn

"Chúng tôi đang bị giảm đến 50% sản lượng nước ngọt", bà Nguyễn Thụy Đông Đào, Tổng Giám đốc Công ty CP Đặng Đoàn Nguyễn, đơn vị đầu tư nhà máy xử lý nước lợ thành nước ngọt ở huyện Cần Giờ cho biết. Lý do là nước đang bị nhiễm mặn quá cao.

Theo bà Đào, khi lập dự án xây dựng nhà máy, công ty đã nghiên cứu, đo đạc và xác định độ mặn cao nhất ở sông Nhà Bè, nơi lấy nước để xử lý chỉ ở khoảng 16.000mg/lít. Vì vậy, công nghệ xử lý nước được đầu tư ở mức này. Thế nhưng, hiện độ mặn có lúc đã lên đến 34.000mg/lít, gần bằng nước biển. Khi độ mặn lên cao, công nghệ xử lý sẽ tự động lọc 2 lần mới cho ra được nước đạt chuẩn. Vì vậy, đầu tư dây chuyền xử lý nước với công suất thiết kế 5.300m3/ngày, hiện nhà máy chạy hết công suất nhưng sản lượng chỉ được khoảng 2.500m3/ngày. "Nước càng mặn, sản xuất càng tốn kém vì hóa chất, nhiên liệu… đều phải dùng nhiều hơn; sản lượng nước ít hơn nên chúng tôi lỗ nặng, còn người dân cũng thiệt thòi vì thiếu nước", bà Đào giãi bày. Trước đây, nước sản xuất từ nhà máy này đáp ứng được 40% nhu cầu nước ngọt của người dân huyện Cần Giờ, nhưng nay thì chỉ còn khoảng 20%.

Ông Võ Quang Châu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng tính toán, trong những tháng mùa khô tới, các nhà máy trên địa bàn cũng có nguy cơ phải giảm sản lượng. Lý do cũng vì nguồn nước trên sông Sài Gòn và Đồng Nai đã bị nhiễm mặn quá mức cho phép. Thậm chí, dù chưa đến đỉnh điểm mùa khô (độ mặn chưa phải ở mức cao nhất) nhưng có thời điểm Nhà máy nước BOT Bình An đã phải ngưng hoạt động vì độ mặn của nước thô vượt quá khả năng xử lý.

Hiện mỗi ngày các nhà máy nước của TP sản xuất hơn 1,5 triệu mét khối nước ngọt, chỉ đáp ứng được nhu cầu nước cho gần 90% hộ dân. Với tình hình trên, chắc chắn mức độ thiếu nước trong mùa khô năm nay sẽ gay gắt hơn.

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn nước

Nước sông tăng độ mặn là do triều cường đẩy nước mặn từ biển xâm nhập vào. Vì vậy, thời gian nhiễm mặn thường trùng vào các đợt triều cường trong các tháng mùa khô trong năm. Tuy nhiên, tình hình nhiễm mặn những năm gần đây rất khó lường. Theo quy luật, nước mặn xâm nhập cao nhất là từ tháng 2 đến tháng 5, nhưng tháng 11-2010 (còn là mùa mưa) thì độ mặn nước sông đã tăng. Cũng theo quy luật, nước biển chỉ tràn vào mấy tiếng đồng hồ theo triều cường, nhưng hiện nước biển tràn vào thường đứng luôn không trở ra, hoặc chỉ vài tiếng đồng hồ lại tràn vào tiếp.

Trên các sông Sài Gòn và Đồng Nai, độ mặn giới hạn cao nhất để lấy nước thô xử lý là 250mg/lít và những năm trước chưa bao giờ nước nhiễm mặn đến giới hạn này. Thế nhưng, vào tháng 4-2010 độ mặn của sông Sài Gòn đã lên đến 315mg/lít. Năm nay, tình trạng càng tồi tệ hơn khi mới cuối tháng 1 thì độ mặn tại trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp có thời điểm lên đến 270mg/lít. Trên sông Đồng Nai, độ mặn tại trạm bơm nước thô của Nhà máy nước BOO Thủ Đức lúc cao nhất trong tháng 2 đã lên đến 260mg/lít. Nhưng vẫn chưa bi đát bằng nguồn nước của Nhà máy nước BOT Bình An, khi từ cuối tháng 1 đến nay nước có độ mặn lớn hơn 250mg/lít chiếm đến 50% thời gian trong ngày. Có những thời điểm trong ngày độ mặn cao tới mức 1.000mg/lít, buộc nhà máy phải ngưng hoạt động.

Khi độ mặn tăng cao thì việc pha loãng mặn trông chờ vào lượng nước xả từ đầu nguồn. Thế nhưng, lượng nước tích trữ đầu nguồn từ các hồ thủy lợi Dầu Tiếng (sông Sài Gòn), Thủy điện Trị An (sông Đồng Nai) năm nay đều giảm nên không đủ lớn để đẩy lùi mặn. Theo Ban quản lý hồ thủy điện Trị An, mức tích nước năm nay của hồ này giảm đến 2,2 tỷ mét khối so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, đơn vị này buộc phải giảm lưu lượng nước xả để bảo đảm đủ lượng nước trong suốt mùa khô. Ông Võ Quang Châu cho biết đã làm việc với Ban quản lý các hồ trong việc xả nước pha loãng mặn, tuy nhiên, giải pháp này còn phụ thuộc khả năng tích và xả nước của các hồ vào thời điểm yêu cầu.

Thùy Linh