Trường hợp cổ đông sáng lập không thanh toán đủ tiền mua cổ phần

Xã hội - Ngày đăng : 05:05, 12/03/2011

(HNM) - Công ty chúng tôi thành lập cuối năm 2009, nay vẫn còn một số cổ đông sáng lập không thanh toán đủ tiền mua cổ phần đã đăng ký. Theo quy định của pháp luật, công ty chúng tôi có thể xử lý như thế nào đối với tình huống này?

Đặng Hữu Toàn Luật sư  Phạm Ngọc Minh (Công ty Luật TNHH YouMe, website: www.youmevietnam.com) trả lời:
- Thực trạng trên không chỉ xảy ra tại công ty của ông Đặng Hữu Toàn mà là vấn đề khá phổ biến tại nhiều công ty cổ phần. Tuy nhiên, theo chúng tôi có thể có hai trường hợp: trường hợp thứ nhất, một hoặc một số cổ đông sáng lập hoàn toàn không thanh toán một đồng nào trong số tiền mua cổ phần đã đăng ký khi thành lập công ty; trường hợp thứ hai, một hoặc một số cổ đông sáng lập thanh toán một phần (thanh toán không đủ) số tiền đã đăng ký.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Doanh nghiệp hiện hành (Luật Doanh nghiệp 2005), trường hợp thứ nhất được giải quyết như sau: cổ đông sáng lập không thanh toán tiền mua cổ phần theo đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty. Các cổ đông sáng lập còn lại góp đủ số cổ phần mà số cổ đông sáng lập đã đăng ký nhưng không thanh toán, tương ứng theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình trong công ty; một hoặc một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó; hoặc công ty huy động người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó. Người nhận góp đủ số cổ phần đó đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Trường hợp thứ hai, cổ đông sáng lập đã thanh toán một phần số tiền đã đăng ký thì phần trăm vốn góp sẽ được điều chỉnh tương ứng với số vốn thực tế đã góp và cổ đông này vẫn là cổ đông sáng lập của công ty. Khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó. Nếu các biện pháp nêu trên không thể thực hiện được trong thời hạn ba năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành cho phù hợp với số cổ phần đã phát hành (khoản 9, Điều 23 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp).

Thủ tục giảm vốn điều lệ phải được thực hiện theo quy định Điều 40 Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Để điều chỉnh giảm vốn điều lệ hoặc thay đổi tỷ lệ vốn góp, công ty phải gửi thông báo theo mẫu quy định đến phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Kèm theo thông báo phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ của công ty. Quyết định, biên bản đại hội đồng cổ đông phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong điều lệ công ty.