Sữa ngoại lạm dụng “quyền tự quyết”

Đời sống - Ngày đăng : 05:04, 12/03/2011

(HNM) - Từ đầu tháng 3-2011, hàng loạt các hãng sữa đã điều chỉnh giá với mức tăng phổ biến từ 10% đến 15% khiến nhiều gia đình lo lắng, nhất là khi giá mặt hàng thiết yếu này tăng một cách bất hợp lý, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người tiêu dùng...


Ông Nguyễn Hoàng Trung (phường Khương Thượng, quận Đống Đa): Chưa thực hiện nghiêm Thông tư 122...
Thông tư số 122/2010/TT-BTC quy định rõ, sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải được nhà sản xuất, công ty nhập khẩu kê khai, đăng ký giá bán với cơ quan chức năng trước khi đưa ra thị trường; đồng thời niêm yết giá công khai tại các đại lý. Thế nhưng, hiện nay đa số đại lý bán sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi không có bảng giá niêm yết. Vi phạm này chưa được các cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn đến việc các cửa hàng bán sữa tăng giá vô tội vạ.

Bà Phạm Phương Nga (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm): Lạm dụng "quyền tự quyết"
Nằm trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá, song trên thực tế, việc kinh doanh sữa lại đang được vận hành theo cơ chế thị trường. Các hãng sữa được tự công bố giá và tự chịu trách nhiệm về việc niêm yết giá. Chính vì việc "tự quyết" này dẫn đến tình trạng giá sữa tăng liên tục và tăng cao trong thời gian qua. Chỉ cần một hãng thông báo tăng giá, các hãng khác (cả trong và ngoài nước) cũng ồ ạt tăng theo.

Ông Ngô Trần Tư (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín): Lý do tăng giá sữa chưa hợp lý
Trên thị trường có khoảng hơn 200 nhãn hàng sữa các loại, trong đó sản phẩm nhập khẩu chiếm đến 80%. Với thị phần áp đảo như vậy, các hãng sữa ngoại đang tùy tiện tăng giá theo ý muốn của mình tại thị trường Việt Nam. Các hãng lý giải cho đợt điều chỉnh giá lần này là do các chi phí đầu vào tăng cao như: tỷ giá ngoại tệ, thuế nhập khẩu, chi phí mua nguyên liệu đóng hàng, chi phí lao động, phí vận chuyển, giá đường đều tăng... Thế nhưng, trên thực tế Nhà nước đã có chính sách ưu đãi giá nhập khẩu sữa chỉ còn mức 5%, nên việc tăng tỷ giá chỉ khiến các hãng nhập khẩu sữa ngoại phải mất thêm chi phí vận chuyển, chứ không phải là yếu tố quyết định để tăng giá sữa quá cao. Việc đổ lỗi cho giá đường cũng không thỏa đáng, vì tỷ lệ đường chỉ chiếm khoảng 4% đến 6% giá thành. Trong khi đó chế biến sữa bột chủ yếu sử dụng loại đường tinh bột ít ngọt, mà loại này lâu nay vẫn có mức giá ổn định là 12.000 đồng/kg.

Bà Tống Phương Anh (phường Phú Lương, quận Hà Đông): Vẫn có những hãng sữa không tăng giá...
Trong cơn bão tăng giá sữa từ đầu năm 2011 đến nay, vẫn có những hãng sữa, nhất là các nhà sản xuất trong nước cam kết không tăng giá. Các biện pháp mà những hãng này áp dụng để tránh được áp lực tăng giá là giảm chi phí in ấn, quảng bá thương hiệu, thu gọn các chương trình khuyến mãi, sắp xếp lại kênh bán hàng phù hợp, điều chỉnh lợi nhuận hợp lý với các đại lý, nhà phân phối.

Ngọc Thủy