Chưa thích nghi

Đời sống - Ngày đăng : 03:44, 12/03/2011

(HNM) - Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia vừa được ra mắt, với sự hưởng ứng của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ CA, TAND tối cao, Viện KSND tối cao. Theo đó, từ tháng 3 này, cả nước đã có một đầu mối theo dõi và cập nhật thông tin LLTP của người dân từ 200 đầu mối (gồm hơn 130 trại giam, trại tạm giam thuộc cơ quan CA, Quốc phòng; 63 sở tư pháp tỉnh, TP, cơ quan thi hành án dân sự; Viện KSND tối cao; cơ quan quản lý xuất nhập cảnh…).

Theo Luật LLTP và việc ra đời Trung tâm LLTP, thông tin LLTP của những người từ đủ 14 tuổi trở lên (từ 1-7-2010) sẽ được chuyển cho trung tâm theo dõi từ đầu, hoàn toàn do Bộ Tư pháp quản lý nên việc cấp phiếu LLTP sẽ nhanh hơn. Ngoài tiện ích kể trên, những người từng vi phạm pháp luật sẽ không cần phải yêu cầu cơ quan nào ra quyết định xóa án tích cho mình (trừ các trường hợp không được tự động xóa án tích, mà phải có quyết định của TA theo qui định pháp luật), bởi khi có Trung tâm LLTP, án tích của người dân sẽ tự động được xóa theo thời hạn luật định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan kể trên, ngành tư pháp đang gặp phải không ít khó khăn trong quá trình "thích nghi" với nhiệm vụ mới.Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Xuân Phương, việc cấp phiếu LLTP trong thời gian này chủ yếu được tiến hành trên cơ sở kết quả tra cứu, xác minh của cơ quan CA. Nay theo quy định mới, cơ sở dữ liệu LLTP lại được "đột ngột" chuyển giao, xây dựng, quản lý tại Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp. Như vậy, trong một sớm một chiều, Tư pháp khó có thể "thích nghi" với nhiệm vụ mới.

Khâu phức tạp nhất hiện nay là xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, song việc này một mình ngành tư pháp không thể thực hiện được mà phụ thuộc vào các thông tin từ các cơ sở chuyển giao. Do vậy, sự phối hợp tích cực, chủ động từ phía các cơ quan có liên quan như TA, Viện KS, CA, Quốc phòng trong việc xây dựng, tra cứu thông tin là hết sức quan trọng và cần thiết.

Lê Kiên