Cần giải pháp đồng bộ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 11/03/2011

(HNM) - Bên cạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, Chính phủ đã thực hiện chủ trương chuyển từ phát triển nhà ở có quy mô nhỏ, lẻ sang phát triển nhà ở theo mô hình dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao đời sống của người dân.


Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Phan Anh


Hiện cả nước có hơn 2.500 dự án nhà ở đã, đang được triển khai, trong đó có nhiều dự án nhà ở hiện đại, thu hút đông đảo người dân như Khu đô thị mới (KĐTM) Linh Đàm, Định Công, Ciputra, Trung Hòa - Nhân Chính… (Hà Nội); KĐTM Phú Mỹ Hưng, An Phú - An Khánh, Nam Sài Gòn… (TP Hồ Chí Minh). Các dự án này không chỉ tạo vẻ đẹp cho kiến trúc đô thị mà còn góp phần nâng cao chất lượng ở, điều kiện và môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh chính sách, việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở mới chỉ thông qua từng dự án, qua các doanh nghiệp kinh doanh nhà, mà chưa trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng, nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chú trọng phát triển nhà ở thương mại, nhà ở có tiện nghi cao, thu hồi vốn nhanh, chưa quan tâm đến phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Mặt khác, nguồn cung về nhà ở trên thị trường cũng chỉ tập trung vào các loại căn hộ để bán, chưa có chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê như nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, với cơ cấu tiền nhà ở tính trong tiền lương 8-10%, người hưởng lương ngân sách, công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có khả năng tạo lập chỗ ở. Đây là tồn tại lớn cần sớm được khắc phục để bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất, bổ sung quy định các dự án phát triển khu nhà ở, KĐTM có quy mô từ 50ha trở lên phải nằm trong kế hoạch, quy hoạch phát triển nhà ở dài hạn (tối thiểu 5 năm) của đô thị, hạn chế tình trạng phát sinh, điều chỉnh quy hoạch nhỏ lẻ trừ trường hợp các dự án nằm xen kẹt trong các khu dân cư, đô thị cũ. Tại các đô thị lớn, các khu vực trọng điểm vùng, ưu tiên thực hiện các dự án nhà ở có quy mô lớn (hơn 500ha) để hình thành các KĐTM hoặc các đô thị hoàn chỉnh.

Giải phóng mặt bằng (GPMB) là vấn đề nan giải nhất và có ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án, theo ý kiến của Bộ Xây dựng, nếu dự án đã xác định chủ đầu tư, Nhà nước giao cho chủ đầu tư thực hiện bồi thường GPMB. Với dự án chưa xác định được chủ đầu tư, Nhà nước giao cho đơn vị phát triển quỹ đất thực hiện GPMB và tổ chức đấu giá. Với dự án chủ đầu tư tự thỏa thuận đền bù, tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nhà nước chỉ làm thủ tục cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Về tài chính, Bộ Xây dựng cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo cơ sở cho thị trường thế chấp thứ cấp hình thành. Tạo điều kiện cho các ngân hàng có số dư tín dụng lớn đối với thị trường nhà ở có thể rút vốn từ nguồn thế chấp để bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng; tạo điều kiện để ngân hàng tham gia vào quan hệ tay ba: chủ đầu tư - ngân hàng - khách hàng để hỗ trợ về tín dụng cho thị trường nhà ở. Mặt khác, cần hình thành hệ thống tài chính tín dụng phi ngân hàng, như quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ phát triển nhà ở... nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường nhà ở vốn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào ngân hàng. Trong đó, quỹ tiết kiệm nhà ở hình thành từ đóng góp của người lao động, từ tiền lương hằng tháng (có những quốc gia quy định ở mức cao 10-15%, mức thấp 3-5%) nhằm hỗ trợ cho người có nhu cầu nhà ở nhưng thu nhập còn hạn chế; dùng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho người mua hoặc thuê nhà ở vay ưu đãi.

Mục tiêu 21,5m2 nhà ở/người
Theo dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở của Bộ Xây dựng, đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc sẽ đạt 21,5m2/người, trong đó 60% sinh viên, 50% công nhân khu công nghiệp có chỗ ở phù hợp, bảo đảm điều kiện sống. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 25m2 sàn/người, trong đó nhà ở đô thị bình quân đạt 29m2 sàn/người. Đặc biệt, tỷ lệ nhà ở chung cư tại khu vực đô thị tăng lên 15% (hiện là 4%); trong đó tại Hà Nội tỷ lệ này là 25-30% (hiện là 17%); tại TP Hồ Chí Minh là 18-20% (hiện là 6%). Tỷ lệ nhà ở cho thuê trong quỹ nhà cũng đạt 20-25% (hiện là 14%) nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng thu nhập thấp tại đô thị. Bên cạnh đó, số lượng và tỷ lệ căn hộ có mức giá hợp lý cho các gia đình thu nhập trung bình dự kiến 10-15%.

Y Linh