Động lực cho nông thôn mới

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 11/03/2011

(HNM) - Địa hình trũng, phức tạp, thường xuyên phải hứng chịu lũ rừng ngang nên hoàn chỉnh hệ thống giao thông ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có vai trò quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, khó khăn.


Đường giao thông ở thị trấn Đại Nghĩa được xây dựng khang trang sạch đẹp.

Một ngày đầu tháng 3, nhóm PV Hànộimới đã về xã Xuy Xá. Con đường trục chính dẫn đến trụ sở UBND trải nhựa phẳng lỳ. Bà Hiền, người thôn Thượng phấn khởi cho biết: "Có con đường mới, người dân chúng tôi đi lại dễ dàng và những con đường này đã góp phần thay đổi diện mạo xóm làng". Đi sâu vào phía trong thôn, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm được xây dựng từ trước nhưng vẫn được bảo quản rất tốt nên đường không bị xuống cấp. Trưởng thôn Thượng Hà Văn Tài nói: "Việc xây dựng đường giao thông đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình với ý thức, trách nhiệm cao. Chúng tôi đã huy động từ trong dân mỗi khẩu đóng góp 70 nghìn đồng cùng với hàng trăm ngày công lao động". Xã Xuy Xá có địa hình khá phức tạp nhưng hệ thống giao thông ở 5 thôn cơ bản hoàn chỉnh, đường trục chính được xây dựng hiện đại. Xã đã đầu tư xây dựng được 6km đường với kinh phí Nhà nước hỗ trợ, địa phương và nhân dân đóng góp lên đến 30 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Xuy Xá Nguyễn Văn Chính cho biết, đây là thành quả của ý Đảng, lòng dân, trong đó sự đồng thuận của người dân quyết định thành công. "Những con đường đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn thôn xóm và các xã lân cận, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển" - Chủ tịch Nguyễn Văn Chính nhấn mạnh.

Ở thị trấn Đại Nghĩa việc xây dựng GTNT cũng đạt được nhiều thành tựu khả quan. Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thị trấn đã đầu tư xây dựng được 18km, phủ kín toàn bộ hệ thống giao thông ở các khu dân cư. Kinh nghiệm làm GTNT của Đại Nghĩa là tập trung tuyên truyền đến từng hộ dân để tạo sự đồng thuận; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trên nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đến với xã miền núi An Phú, khu vực được coi là khó khăn nhất của huyện Mỹ Đức, đường giao thông cũng đã cứng hóa đến tận các thôn, bản xa xôi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phúc Hải cho biết, Mỹ Đức là vùng đất trũng, lại chịu lũ rừng ngang, trước đây nền đường chủ yếu là đất đá thải hỗn hợp rất yếu, người dân đi lại khó khăn. Từ năm 2005, Mỹ Đức tập trung nguồn lực bê tông hóa toàn bộ đường GTNT để tạo cơ sở vững chắc phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo. Phong trào xây dựng đường được đẩy mạnh, trong đó năm 2008 làm được gần 200km; năm 2009 được 133,9km và đến nay đã hoàn thành cơ bản hệ thống GTNT với hơn 700km được rải nhựa, đổ bê tông. Ông Lê Nghiêm Huấn, cán bộ phụ trách GTNT, Phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức cho biết, riêng năm 2010 người dân đã đóng góp được gần 4 tỷ đồng và huy động trên 2.000 ngày công bên cạnh kinh phí Nhà nước đầu tư.

Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Hải khẳng định, UBND huyện chỉ đạo sâu sát các xã, thị trấn thực hiện tốt quy chế dân chủ. Cụ thể, công tác giám sát ở các thôn, xóm được thực hiện bởi ban giám sát cộng đồng là những người có uy tín trong nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị. Phong trào xây dựng GTNT đã tạo sự thống nhất cao từ chính quyền đến người dân theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Việc làm này cũng thể hiện được sự đồng lòng và niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây là một thuận lợi để Mỹ Đức tiếp tục phát huy trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.

Chí Kiên