Thông tin và trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 11/03/2011

(HNM) - Có lẽ chưa bao giờ mở các trang báo mạng, xem các chương trình truyền hình, đọc trên báo viết cùng về một đề tài, một sự vật, hiện tượng chúng ta lại tiếp nhận được nhiều thông tin với góc nhìn theo nhiều chiều như hiện nay.


Vẫn biết, làm báo là phải chuyển tải thông tin đến bạn đọc, bạn xem truyền hình, bạn nghe đài những gì trung thực nhất của từng sự vật, hiện tượng được phản ánh; nhưng cũng không phải vì thế làm mất đi cái "phong cách" hay góc nhìn riêng của mỗi tác giả. Và cũng vẫn biết, đấy chính là nét riêng "độc đáo" của mỗi tờ báo, hay nói cách khác là tài năng, bản lĩnh của người cầm bút cũng như ban biên tập. Cũng chính thế, bạn đọc luôn trông đợi, thậm chí tin cậy vào những tờ báo mà mình yêu quý, mong đợi.

Chuyện bốc lên một vụ "sểnh miệng" của một thân phận đáng thương, hay chuyện đưa tin một vụ án mạng, một nghi vấn scandal trong cuộc thi này, nọ là điều người làm báo có lúc cũng khó tránh khỏi. Chỉ có điều, hình như sự khiêm tốn, chuyện tự nhìn lại mình, xem ra lại có vẻ quá khó chăng, khi mà khán giả, độc giả đã có một ngày trót coi những tác giả ấy là "người nổi tiếng".

Hình như mặt trái của cơ chế thị trường đã len lỏi đến chân bàn người cầm bút? Nhưng, cũng hình như khi vai trò, vị trí của người làm báo đã và đang được xã hội coi trọng hơn, xem ra không ít người nghĩ rằng mình có quyền phán xét tất cả, không cần xin lỗi một ai?

Thông tin trên phương tiện truyền thông, báo chí là trách nhiệm nghề nghiệp mà người làm báo phải thực hiện. Nhưng mọi thông tin ấy chẳng nhẽ lại không gắn với tài năng và phẩm chất mà mỗi nhà báo luôn tự nhủ mình. Muốn nói về văn hóa, trước hết phải là người có văn hóa.

Ứng xử với bạn đọc, bạn nghe đài, bạn xem truyền hình đã yêu quý mình, chẳng lẽ những người làm báo nỡ coi họ thấp kém hơn mình để không thể đưa ra mỗi một lời xin lỗi, một lời cải chính khi mà chính mình còn phải học nhiều hơn, để hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn những điều mình muốn viết, muốn chuyển tải đến khán, độc giả.

Không phải cứ chiểu theo điều này, luật nọ để cho rằng mình chưa phải đã sai. Cái điều luật lớn nhất chính là lương tâm của người cầm bút khi hiểu rõ thông tin và trách nhiệm công dân trước bạn đọc và xã hội.

Nguyễn Hòa Bình