Tạo thế hệ nhà khoa học mới là việc cần làm

Giáo dục - Ngày đăng : 06:41, 11/03/2011

(HNM) - Trong tháng 3-2011, Giáo sư Ngô Bảo Châu - người Việt Nam đầu tiên đoạt Giải thưởng Toán học Fields danh giá - đang có những ngày công tác tại Việt Nam. Giáo sư đã có nhiều buổi làm việc với một số trường ĐH, cơ quan khoa học của Việt Nam.


- Qua tiếp xúc, tôi thấy vấn đề "nóng" nhất của các trường ĐH và viện nghiên cứu chính là làm thế nào để có một thế hệ nhà khoa học mới, đặc biệt là thu hút các nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc. Tôi biết trong số họ có nhiều người rất xuất sắc. Nhưng phải làm thế nào để họ về nước, chuyên tâm vào làm khoa học mà không phải lo chuyện mưu sinh. Đây cũng là trăn trở khi ngành toán học xây dựng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán để có thể quy tụ được một số bạn trẻ làm toán, vật lý lý thuyết, tin học đang công tác ở nước ngoài. Ngoài chuyện kinh tế thì phải có sự trao đổi thông tin trong - ngoài nước thường xuyên, hình thành các nhóm nghiên cứu. Đó chính là cách để xây dựng thế hệ nhà khoa học mới cho Việt Nam.


Người dân Hà Nội chào đón Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: Nhật Nam


Riêng vấn đề nghiên cứu trong các trường ĐH, tôi nghĩ các trường đã quan tâm nhưng chưa có cách làm quyết liệt để tạo ra những nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu mới cuốn hút các nhà khoa học trẻ. Ở đâu cũng vậy, nếu không có cách làm quyết liệt thì xu hướng chung là đầu tư vào những hướng nghiên cứu đã có rồi.

- Giáo sư sẽ đảm nhận chức Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, ông có thể chia sẻ về kế hoạch công tác sắp tới của mình?

- Ngoài tôi làm Giám đốc khoa học, sẽ có thêm một người nữa làm Giám đốc điều hành. Vai trò của tôi ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán không phải là quản lý mà là tạo những định hướng cho công tác nghiên cứu và xây dựng các nhóm nghiên cứu mới. Tôi cũng sẽ tham gia Hội đồng Khoa học của Viện để đảm nhiệm việc chọn hồ sơ những người làm việc ở đây. Tôi làm việc ở ĐH Chicago (Mỹ) trong 9 tháng và thời gian còn lại, khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm sẽ trực tiếp về làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán.

Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã được thành lập nhưng sẽ chỉ đi vào hoạt động bình thường từ năm 2012. Hiện Viện còn khó khăn về vấn đề kinh phí nhưng ngay trong mùa hè này, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo về toán học. Từ năm 2012 trở đi, muốn tham gia hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán thì ứng viên phải gửi một đề án nghiên cứu để Hội đồng Khoa học thẩm định và lựa chọn.

- Thưa Giáo sư, ông có cho rằng mô hình mới này sẽ là điểm đột phá đối với nền khoa học nước nhà?

- Về cá nhân, tôi sẽ hoạt động khoa học ở chuyên ngành hẹp của mình. Kỳ vọng của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là ươm tạo các nhóm nghiên cứu mới, cuốn hút cán bộ trẻ cũng như các cán bộ đang làm việc tại Việt Nam. Việc đó có tác động lâu dài cho khoa học nước nhà hay không thì Viện không tự làm được vì nơi đón nhận sản phẩm của chúng tôi là các trường ĐH, viện nghiên cứu. Nếu không có điều đó, việc hoàn thành nhiệm vụ của Viện sẽ không có tác dụng một cách lâu dài cho nền khoa học nước nhà.

- Được biết, Giáo sư có kế hoạch lập một quỹ xã hội để tài trợ cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc với số tiền khá lớn?

- Đó là Quỹ "Trí tuệ Việt Nam" với sự tham gia của hai doanh nghiệp lớn trong nước. Dự kiến, một trong những hoạt động của quỹ là sẽ trao giải thưởng cho một công trình khoa học xuất sắc trong năm. Điều kiện là công trình đó phải làm ở Việt Nam để cổ vũ người làm khoa học trong nước. Giải thưởng này dự kiến trị giá 1 tỷ đồng. Hoạt động thứ hai của quỹ là xây dựng hệ thống chuỗi bài giảng chuyên về khoa học, định kỳ tổ chức một tháng/lần, nhằm làm dấy lên tình yêu của các bạn trẻ với khoa học kỹ thuật và khoa học cơ bản. Có một giải thưởng thú vị cho sinh viên là họ sẽ viết đề án nghiên cứu, có người hướng dẫn là giảng viên ĐH rồi gửi cho quỹ. Sau đó, quỹ sẽ chọn 20-30 đề án và cấp kinh phí cho các em thực hiện trong vòng 6 tháng. Đến cuối năm, các em phải cam kết sẽ thực hiện đề án và tham gia kỳ thi cuối năm. Chúng tôi trao giải cho công trình nghiên cứu xuất sắc nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Thế Dũng