Cấp bách ứng phó hạn hán tại Tây Nguyên
Đời sống - Ngày đăng : 17:31, 10/03/2011
Ở những vùng không có nguồn nước mặt, Bộ NNPTNT đề nghị địa phương cần hỗ trợ dân khoan, đào giếng lấy nước, ưu tiên tưới cho cây cà phê, tiêu bị hạn nặng; cấp đủ điện cho công tác chống hạn...
Bộ NNPTNT cho biết, đến đầu tháng 3, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk có trên 4.500 ha lúa bị hạn, trong đó trên 1.200 ha mất trắng; diện tích hoa màu thiếu nước trên 1.000 ha.
Đặc biệt, diện tích cây cà phê đang thời kỳ ra hoa rộ bị hạn nặng khoảng 4.200 ha, nếu không đủ nước tưới sẽ ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng.
Chỉ riêng tại tỉnh Kon Tum, theo thống kế chưa đầy đủ, toàn tỉnh đã có hơn 560 ha cây trồng, trong đó có gần 342 ha lúa nước, gần 219ha cây công nghiệp, rau đậu các loại đã bị hạn. Dự báo, có thể sẽ có 1.800 ha cây trồng khác cũng đang có nguy cơ bị hạn cao. Những địa phương đang bị hạn hán nặng gồm thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Đắk Hà, Kon Rẫy… Mặc dù đã được dự báo trước, chính quyền các địa phương các và nhân dân đã chủ động các phương án, biện pháp sẵn sàng để “đối mặt” song tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra.
Còn tại Gia Lai, hiện nhiều sông, suối ở tỉnh này đã bị cạn kéo theo hàng ngàn ha cây trồng tại các huyện trong tỉnh như Ia Grai, Chư Prông, Chư Pưh... đang có nguy cơ chết héo.
Dù chưa là đỉnh hạn trong mùa khô này nhưng theo thống kê chưa đầy đủ ở Gia Lai đã có trên 300 ha cây trồng ngắn ngày bị hạn và hơn 3.000 ha cà phê thiếu nước tưới do cạn kiệt nguồn nước.
Hạn hán không chỉ gây hại đối với sản xuất mà nó còn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Do đó cùng với nỗ lực chống hạn bảo vệ sản xuất, các địa phương cần chú trọng đến những nhiệm vụ cấp bách khác như phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường (đặc biệt là môi trường nước), nguy cơ cháy rừng và dịch bệnh.