Lại hoãn phúc thẩm vụ tham nhũng đất ở Hóc Môn
Pháp luật - Ngày đăng : 15:27, 10/03/2011
Các bị cáo trong vụ án tiêu cực đất đai ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, trong phiên tòa phúc thẩm ngày 9/3. (Nguồn: Internet) |
Theo Hội đồng xét xử, để tránh oan sai, bỏ sót tội phạm, án nặng án nhẹ, cần thiết phải thẩm vấn công khai thêm một số đương sự mặc dù đã được tòa triệu tập nhưng lại cố tình vắng mặt.
Trong đó có ông Trịnh Thế Việt, hiện đang giữ chức Trưởng phòng Thẩm định của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn).
Ngoài ra, qua lời khai của bị cáo Nguyễn Công Định, nguyên nhân viên thẩm định ngân hàng này, Tòa cũng cần triệu tập thêm ông Hoàng Minh Thái, hiện là Trưởng phòng Marketing Agribank Chợ Lớn xung quanh việc Nguyễn Thị Hà mang đến “trả ơn” cho cán bộ Agribank Chợ Lớn 150 triệu đồng khi ngân hàng giải ngân 3.000 lượng vàng SJC cho Công ty Thành Phát (công ty của Hà).
Án sơ thẩm quy buộc, Lưu Thị Minh Hiền, nguyên Phó Giám đốc Agribank Chợ Lớn (kháng cáo kêu oan) đã cố tình làm sai quy định của ngân hàng, khi ký tờ trình lên nguyên Giám đốc Trần Văn Tuyến đề nghị giải ngân 3.000 lượng vàng SJC giai đoạn 1, tương đương gần 25 tỷ đồng (năm 2005) là vuợt quá mức xin vay 18 tỷ đồng của Công ty Thành Phát.
Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao tham gia phiên tòa đặt câu hỏi đối với Hiền: “Trong khi người nông dân vay 10 triệu, 20 triệu đồng làm ăn, ngân hàng thẩm định chặt chẽ nhưng tại sao lại quá sơ sài, cẩu thả khi thẩm định hồ sơ vay vốn hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp?.” Bị cáo Hiền không trả lời rõ được câu hỏi này.
Hội đồng xét xử đã không ít lần lưu tâm đến thái độ và trách nhiệm của Agribank Chợ Lớn, xung quanh 3.000 lượng vàng SJC và 18 tỷ đồng (tổng tương đương 4.733 lượng vàng SJC) thiệt hại do Công ty Thành Phát gây nên.
Tại phiên tòa hai cấp, đại diện Agribank Chợ Lớn không yêu cầu đền bù số thiệt hại này và xác nhận rằng Công ty Thành Phát đã trả hết số nợ đó. Nhưng trên thực tế, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại quận 12 (Công ty 12) đã trả nợ thay cho Công ty Thành Phát để tiếp tục triển khai dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Sau đó chính Công ty 12 đã lấy 33 sổ đỏ (Công ty Thành Phát từng dùng để vay và chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC cùng 18 tỷ đồng của Agribank Chợ Lớn) là tài sản thuộc dự án nói trên để thế chấp vay trở lại Agribank Chợ Lớn 5.550 lượng vàng SJC.
Đến nay, Công ty 12 chưa trả hết nợ. Nhưng cấp sơ thẩm lại vừa tuyên bị cáo Hà Văn Hòa và Nguyễn Thị Hà phải liên đới bồi thường cho Agribank Chợ Lớn 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng; đồng thời kê biên để phát mãi 33 sổ đỏ lấy tiền sung vào công quỹ Nhà nước.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhấn mạnh rằng cùng một khoản nợ nhưng cấp sơ thẩm lại đưa ra hai cách giải quyết. Nếu như Công ty 12 trả nợ thay cho Công ty Thành Phát, bị cáo Hà và Hòa đã khắc phục hậu quả, do đó mức án sẽ có sự thay đổi (sơ thẩm tuyên hai bị cáo này án chung thân).
Trong suốt thời gian khởi tố và xét xử hai cấp vụ án này, thay vì Cơ quan tố tụng cần nhìn nhận Công ty 12 là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan,” lại chỉ coi là “nhân chứng”.